Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cách trốn hạn mặn của nông dân miền Tây

Tạp Chí Giáo Dục

Giữa lúc hạn mặn đang bao vây nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến người trồng lúa điêu đứng, thì cũng là lúc hàng trăm hộ nông mừng thầm vì trúng đậm mùa đậu xanh, củ cải, dưa hấu.

Vào những ngày này, người trồng đậu xanh ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đang chuẩn bị đón vụ mùa bội thu.

Đưa tay lau vội giọt mồ hôi trên trán, lão nông Mai Văn Hớn (ấp Cơi Tư, xã Khánh Bình Tây) nói chắc nịch: “Mùa này chắc chắn nhà tôi sẽ trúng lớn sau khi thu hoạch gần một ha đất trồng đậu xanh”.

Theo ông Hớn, đậu xanh là loại cây dễ trồng, không mất nhiều công sức và tốn nhiều tiền đầu tư, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp mấy lần trồng lúa. “Quân bình mỗi ha trồng đậu xanh đạt năng suất 3 tấn sau hai tháng gieo trồng, giá thành tính ra bán được gần 80 triệu đồng. Trong khi trồng một ha lúa năng suất cao nhất cũng chỉ khoảng 5 tấn, bán được khoảng hơn 20 triệu đồng, nhưng mất hết vài triệu đồng tiền phân bón, thuốc trừ sâu…”, ông Hớn tính toán.

cach-tron-han-man-cua-nong-dan-mien-tay

Trong khi nắng hạn làm lúa chết, thì người trồng đậu xanh vẫn sống khỏe.

Người dân trồng đậu xanh ở địa phương cho biết, loại cây này chỉ cần gieo hạt, ủ phân, tưới nước vài lần đến khi lên cây là coi như ăn chắc. “Đậu xanh là loại thích ứng tốt với nắng hạn, chỉ sợ mưa trái mùa làm cây bị sâu, giảm năng suất. Hiện tại đang khô hạn, nên nhiều diện tích đất trồng đậu xanh trong huyện xanh tốt lắm”, ông Trần Văn Của có hơn một ha đất trồng đậu xanh nói.

Khánh Bình Tây là vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, từ xưa vùng này chuyên canh cây lúa. Vài năm gần đây đồng đất hết màu mỡ, cây lúa kém phát triển, năng suất không cao, nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi cây trồng, trong đó đậu xanh là cây chủ lực, đem đến thu nhập cao.

Anh Trần Quốc Thanh ở ấp Cơi Tư, xã Khánh Bình Tây cho biết, dù chưa tới ngày thu hoạch, nhưng thương lái từ Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp… đã đổ về chào giá thu mua tại ruộng từ 25.000 đến 30.000 đồng một kg đậu xanh. “Đậu xanh chỉ trồng được vào mùa khô, do đó cung lúc nào cũng thiếu, nên giá cả luôn ổn định”, anh Thanh quả quyết.

Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, nhận thấy hiệu quả của mô hình trồng đậu xanh mùa khô hạn, nông dân nhiều nơi trong huyện Trần Văn Thời như: xã Khánh Hưng, Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc và Khánh Bình Đông cũng làm theo và thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Thống kê của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, mùa khô năm nay, toàn huyện Trần Văn Thời xuống giống được hơn 1.160 ha đậu xanh. Hiện đã được thu hoạch gần xong, năng suất bình quân khoảng 3 tấn một ha. Ngoài ra, nhiều nông dân tận dụng ruộng khô hạn đã gieo đậu xanh vào ngay những chỗ nứt nẻ cũng đạt năng suất 1-2 tấn mỗi ha.

Có chung niềm vui trong những ngày nắng hạn, hàng trăm hộ dân Khmer tại xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cũng phấn khởi vì trúng đậm mùa dưa hấu. “Làm lúa Xuân Hè thất quá, nên anh em trong vùng rủ nhau trồng dưa hấu dưới chân ruộng. Ban đầu tính trồng chơi, ai dè thu hoạch khá, nên nhân rộng và thu lãi cao”, ông Thạch Lâm nói.

Chị Đào Thị Mỹ Hồng có 2 công đất ruộng (2.000m2) trồng dưa hấu ở ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ, sau khi thu hoạch đã thu về hơn 7 tấn dưa hấu loại tốt. “Hiện tại thương lái vào rẫy thu mua giá 4.200 đồng một kg. Tính ra, hai công đất này gia đình còn lãi gần 20 triệu đồng”, chị Hồng nói.

Chính quyền địa phương cho biết, xã Phú Mỹ có hơn 150ha đất ruộng không sản xuất lúa Xuân Hè do thiếu nước được bà con Khmer đầu tư sang trồng dưa hấu, cho năng suất từ 3 đến 5 tấn mỗi công.

Theo ông Dương Tấn Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Mỹ, với thời tiết khắc nghiệt như hiện nay thì việc người dân chủ động chuyển đổi cây trồng là hướng đi đúng, mang lại thu nhập kinh tế cho gia đình.

Phúc Hưng/ VNE

 

Bình luận (0)