Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cách xử lý vết thương có nguy cơ nhiễm vi trùng uốn ván

Tạp Chí Giáo Dục

Vết thương rất nhỏ như trầy xước da, đứt tay, giẫm phải đinh… nhưng chủ quan và xử lý ban đầu không tốt, tỷ lệ nhiễm trùng do uốn ván rất cao.
Uốn ván là bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc do vi khuẩn Clostridium Tetani gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương dưới dạng nha bào, phát triển trong điều kiện yếm khí.
Tại đây, vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố có ái tính với hệ thần kinh, lan truyền theo đường thần kinh, đường máu, bạch huyết khắp cơ thể và xâm nhập vào Synap thần kinh cơ, trung tâm thần kinh thực vật, gây nên các biểu hiện lâm sàng.
 Hàng năm, nước ta vẫn xuất hiện các ca bệnh uốn ván rải rác.
Hàng năm, nước ta vẫn xuất hiện các ca bệnh uốn ván rải rác.
Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho trẻ em dưới một tuổi bắt đầu ở Việt Nam từ năm 1981 và đến năm 1989 đã có trên 90% số xã triển khai. Nhờ chương trình TCMR, Việt Nam đã giảm thiểu được nguy cơ mắc uốn ván và uốn ván nặng ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người trẻ.
Tuy nhiên, hàng năm, nước ta vẫn xuất hiện các ca bệnh uốn ván rải rác, chủ yếu gặp ở người trung niên, người già, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh uốn ván.
Bệnh uốn ván nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể tiến triển nhanh sang tình trạng co cứng, co giật toàn thân, suy hô hấp, ngưng thở. Điều trị các ca uốn ván nặng cũng đòi hòi quá trình chăm sóc tích cực, thở máy kéo dài, nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hiện nay, cách thức phòng ngừa uốn ván tốt nhất vẫn là tiêm vaccine dự phòng và xử lý đúng cách đối với các vết thương có nguy cơ nhiễm vi trùng uốn ván.
Xử lý vết thương
Tổn thương có nguy cơ bao gồm vết thương sâu, nhiễm đất bẩn, bụi bẩn, phân người hoặc gia súc, vết thương dập nát hoặc do tiêm chích (sử dụng bơm kim tiêm không an toàn).
Xử lý ban đầu đối với các vết thương sâu bẩn cần phải thực hiện đúng cách:
– Bên cạnh cầm máu, bạn cần rửa vết thương bằng nước muối hoặc nước sạch, loại bỏ đất bẩn, mảnh vụn nếu có. Với các vết thương nhiều ngóc ngách, chảy máu, dính nhiều đất, cát, đòi hỏi cắt lọc, sử dụng oxy già, ta thường cần xử lý ở cơ sở y tế.
– Vết thương do động vật cắn cần rửa lại bằng xà phòng. Sau đó, bạn có thể bôi các dung dịch sát khuẩn phù hợp và băng bó nhẹ nhàng bằng băng y tế vô khuẩn. Bạn không nên băng kín nếu vết thương chưa được vệ sinh tốt vì vi trùng uốn ván có thể phát triển thuận lợi trong môi trường kỵ khí, băng bó kín.
Việc theo dõi, thay băng, kiểm tra vết thương hàng ngày cũng rất quan trọng. Nếu vết thương có tình trạng mưng mủ nhiễm trùng, người dân cần tháo bỏ băng, làm sạch, để hở hoặc đến cơ sở y tế để can thiệp xử lý triệt để vết thương. Tuyệt đối không dùng các phương pháp dân gian như đắp lá, rắc bột …
Bên cạnh chăm sóc vết thương, bạn cần tiêm dự phòng uốn ván đối với các vết thương dập nát, sâu bẩn. Việc này bao gồm tiêm huyết thanh ngừa uốn ván (SAT) đối với những người chưa tiêm ngừa đầy đủ hoặc thời gian trên 10 năm. Sau đó, người dân cũng cần tiêm nhắc lại vaccine uốn ván theo khuyến cáo của các đơn vị tiêm chủng.
Lịch trình tiêm vaccine uốn ván
Theo Trung tâm tiêm chủng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tiêm vaccine uốn ván được khuyến cáo dự phòng cho mọi người, đặc biệt là các trường hợp có nguy cơ cao: Nông dân, người chăn nuôi gia súc, nghiện chích ma túy.
Cách thức phòng ngừa uốn ván tốt nhất vẫn là tiêm vaccine dự phòng
Cách thức phòng ngừa uốn ván tốt nhất vẫn là tiêm vaccine dự phòng và xử lý đúng cách đối với các vết thương có nguy cơ nhiễm vi trùng uốn ván.
Người lớn có nguy cơ nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ vaccine uốn ván, có thể dự phòng chủ động bằng cách tiêm liều cơ bản. Liều cơ bản này gồm 3 liều, 2 liều đầu cách nhau ít nhất một tháng và tiêm nhắc lại sau liều thứ hai từ 6 đến 12 tháng, sau đó tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.
Với người lớn đã tiêm đủ 3 liều cơ bản từ 5 đến 10 năm, nếu bị vết thương lớn và có nguy cơ bị uốn ván, bạn cần tiêm nhắc lại một liều vaccine. Nếu khoảng cách từ liều tiêm nhắc lần cuối cùng đã quá 10 năm, bạn phải tiêm nhắc lại một liều vaccine kể cả với vết thương nhỏ, sạch. Với các vết thương lớn và có nguy cơ bị uốn ván, người dân cần tiêm bổ sung một liều vaccine kết hợp với huyết thanh kháng độc tố uốn ván (SAT).
Đối với trẻ em, vaccine uốn ván đã có trong vaccine 5 trong 1 của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Trẻ sẽ được tiêm 3 mũi vaccine 5 trong 1 trong vòng một tuổi và nhắc lại vào khi18 tháng tuổi. Nếu sử dụng vaccine tiêm chủng dịch vụ, mũi tiêm nhắc lại cho trẻ vào lúc 18 tháng tuổi cũng được sử dụng bằng vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Sau đó, trẻ nên được tiêm nhắc lại vaccine uốn ván vào lứa tuổi 4 đến 6 và tiếp tục nhắc lại mỗi 10 năm.
Phụ nữ mang thai cũng được khuyến cáo tiêm vaccine uốn ván chủ động trước khi có thai và trong mỗi lần thai kỳ. Với lần mang thai đầu tiên, thai phụ sẽ được tiêm 2 mũi vaccine uốn ván, cách nhau ít nhất một tháng và cách thời điểm sinh một tháng để vaccine phát huy hiệu quả tốt nhất. Từ lần mang thai thứ hai, mỗi lần mang thai, thai phụ cần tiêm một mũi vaccine uốn ván.
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)