Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Cải cách” đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tạp Chí Giáo Dục

Lao động nghề mây tre lá chiếm số lượng lớn so với nghề khác ở nông thôn hiện nay. Ảnh: I.T

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT – Đề án 1956) với tổng kinh phí 25.980 tỉ đồng kéo dài từ 2010-2020 với mục tiêu mỗi năm đào tạo khoảng 1 triệu lao động. Sau 2 năm triển khai đã phải hạ thấp chỉ tiêu đào tạo vì nhiều bất cập.
Đào tạo chưa sát nhu cầu
Tại cuộc tọa đàm về thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT do Ban chỉ đạo Trung ương tổ chức ở Hà Nội vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng đã có sự chạy đua về thành tích của các địa phương nên mới có được con số này. Trả lời thắc mắc này, ông Nghiêm Trọng Quý, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề khẳng định, ngay từ khi triển khai kế hoạch, các bộ, ngành, địa phương đã xác định không chạy theo số lượng. Tuy nhiên, con số 485.000 LĐNT được đào tạo nghề trong năm 2012 có “ảo” hay không thì tổng cục không xác định được(?).
Qua thực tế, sau gần 3 năm thực hiện Đề án 1956 đã tồn tại khá nhiều vướng mắc, chưa đem lại hiệu quả như đề án đã đề ra. Một đề án với kinh phí cũng như quy mô khá rộng dành cho nông dân nhưng lại không nhận được sự hưởng ứng tích cực từ chính đối tượng này. Theo phản ánh của người dân ở nhiều nơi, họ học nghề xong, làm ra sản phẩm nhưng không có đầu ra. Hệ quả là phải bỏ nghề. Về điều này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi cho rằng: “Đây là một kẽ hở trong đào tạo gắn với tổ chức thị trường”. Trong quyết định 1956 đã định hướng rõ: Chỉ đạo dạy nghề nông nghiệp là ngành nông nghiệp. Chỉ đạo nghề phi nông nghiệp là ngành lao động. Dạy nghề nông thôn hiện nay mới đáp ứng phần lớn tự cung, tự cấp. Cần tính lại cơ chế khác cho việc tổ chức thị trường vùng đó. Muốn vậy, phải quy hoạch lại vùng sản xuất, tổ chức lại thị trường, tạo lòng tin giữa người sản xuất và người nông dân với đơn vị dịch vụ. Ông Phi cũng thẳng thắn thừa nhận: Công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn hàng loạt những tồn tại, yếu kém cần nghiêm túc nhìn nhận để khắc phục. Đó là tình trạng đào tạo nghề vẫn chưa gắn với nhu cầu xã hội; chưa chú trọng lợi thế về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, ngành nghề truyền thống của địa phương… Trong thời gian qua, có địa phương để xảy ra tình trạng “đánh trống ghi tên” tức là người dân đến đăng ký học nhưng hôm nay người này học, mai lại người khác học, ghi điểm ghi danh để lấy tiền ăn trưa. Đối tượng người học có khi là hưu trí chứ không phải người sản xuất. Đáng lưu ý, vừa qua Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động dạy nghề cho LĐNT tại tỉnh Lâm Đồng thì phát hiện ra mặc dù các lớp dạy nghề như: Trồng, chăm sóc cà phê, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng dâu nuôi tằm đều có thời gian học là 3 tháng nhưng thực tế theo người lao động và các giáo viên dạy nghề thì chỉ diễn ra 1 tháng.
Tạo điều kiện tối đa cho người học
Theo ông Quý, mục tiêu của đề án trong năm 2013 là dạy nghề cho 600.000 LĐNT. Trong đó sẽ chú trọng các giải pháp như tổ chức quán triệt, thực hiện chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5-11-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho LĐNT; tổ chức sơ kết từ cơ sở đến toàn quốc 3 năm thực hiện đề án theo đúng nội dung, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương; tập trung triển khai nhân rộng các mô hình dạy nghề thí điểm có hiệu quả. Đồng thời, ông Quý khẳng định nguyên tắc đào tạo của đề án là tạo thuận lợi tối đa cho người học. Cụ thể, sẽ phát triển tối đa mô hình đào tạo lưu động, chỉ trừ những trường hợp quá khó khăn buộc phải “bó tay”. Chẳng hạn, những nơi không có điện thì không thể đào tạo nghề hàn tại chỗ được.Do đó, việc đào tạo chủ yếu được tiến hành tại các thôn, bản, phum, sóc, dạy và thực hành ngay tại các trang trại, hồ đầm, chuồng trại chăn nuôi, tại các cơ sở sản xuất… Với những người không biết chữ hoặc không biết tiếng Kinh thì sẽ dạy theo cách truyền nghề, dĩ nhiên là các nghề tương đối đơn giản như trồng nấm rơm, làm chổi đót…
Thời gian đào tạo sẽ hết sức linh hoạt, phụ thuộc vào từng nghề. Chẳng hạn, nghề làm tăm tre, chổi đót chỉ cần khoảng chục ngày, trong khi nghề hàn phải cần tới 10 tháng. Hơn nữa, thời gian đào tạo cũng có thể kéo dài thêm cho những người có trình độ thấp.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi, năm 2013 để đạt được mục tiêu dạy nghề cần tăng chất lượng cũng như số lượng tuyển sinh đầu vào. Hiện nay, việc chiêu sinh tại nhiều cơ sở chưa đạt yêu cầu vì nhiều người không muốn học nghề mà muốn vào ĐH, CĐ. Do đó công tác tuyên truyền là hết sức quan trọng để xã hội có cái nhìn đúng hơn về học nghề, ý thức được việc làm nghề cũng là đóng góp cho xã hội bằng năng lực, bàn tay của mình. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề cũng cần phải làm chắc chắn hơn, tập trung vào quản lý chất lượng đào tạo, tránh tràn lan. Đào tạo người LĐNT phải có kiến thức, kỹ năng để sản xuất, có nhận thức để chuyển đổi cơ cấu LĐNT sang dịch vụ, các nghề truyền thống và quan trọng hơn là thực hiện các mục tiêu nông thôn mới. Bên cạnh đó tăng cường công tác thanh tra, giám sát thực hiện đề án; trong đó tập trung kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề và tổ chức các lớp dạy nghề cho LĐNT.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)