Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Cải cách giáo dục ở các nước

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục và cải cách nhằm thúc đẩy chất lượng giáo dục luôn là chủ đề nóng trong các cuộc tranh luận về chính trị ở nhiều quốc gia. Tạp chí Nhà kinh tế của Anh số ra mới đây có bài phân tích về thực trạng giáo dục và các giải pháp của công cuộc cải cách quan trọng này.

Năm 2000, Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) của Tổ chức hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) bắt đầu khảo sát việc học tập độ tuổi 15 ở 32 quốc gia. Công ty tư vấn Mc Kinsey trong những năm gần đây cũng tiến hành đánh giá các hệ thống giáo dục tiến bộ nhất trên thế giới. Các kết quả cho thấy nhiều bất ngờ về thứ bậc xếp hạng.
Ba "lời biện minh lớn" cho những thất bại của giáo dục phương Tây đã được nêu ra: chi tiêu tiết kiệm của chính phủ; tầng lớp xã hội; văn hóa không coi trọng giáo dục. A.Slây-chơ, nhà phân tích hàng đầu tại PISA cho rằng, chỉ khoảng 10% sự khác nhau trong giáo dục học sinh có liên quan đến tiền. 20 nền kinh tế hàng đầu trong OECD đã tăng gấp đôi hoặc gấp ba chi tiêu giáo dục của họ trong khoảng thời gian 1970 – 1994, nhưng kết quả vẫn trì trệ, thậm chí thụt lùi. Chi tiêu cao nhất là ở Mỹ, nhưng Mỹ đứng sau các nước phát triển khác  về các kết quả tổng thể trong giáo dục trung học.
Nhiều người lại nhấn mạnh, tầng lớp xã hội mới tạo ra sự khác biệt và bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội ở các nước giàu là nguyên nhân của tình trạng học sinh kém chất lượng. Chuyên gia Ð.Gôn-ha-bơ thuộc Ðại học Oa-sinh-tơn gọi đó là "các yếu tố không thuộc trường học", trong đó có thu nhập gia đình, đóng góp khoảng 60% chi phí các hoạt động học sinh ở trường. Văn hóa cũng là một yếu tố, các bậc cha mẹ ở một số nước châu Á quan tâm kết quả học tập của con hơn người phương Tây… Xin-ga-po, Hồng Công (Trung Quốc) và Hàn Quốc đứng trong tốp đầu bảng xếp hạng của Mc Kinsey…
Vậy đâu là bí quyết của thành công? Mặc dù không có một khuôn mẫu nào, nhưng bốn chủ đề nổi bật đã được nêu ra: Phân quyền (giao quyền lại cho các trường học); tập trung hỗ trợ những học sinh yếu kém; mở rộng các loại hình trường học; và đặt các tiêu chuẩn cao đối với giáo viên. Ba địa điểm đã làm tốt trong khuôn khổ chương trình thử nghiệm của Mc Kinsey, đó là bang Ôn-ta-ri-ô (Ca-na-đa), Vrô-cla-va (Ba Lan) và Sa-xô-ni (Ðức).
Khi được bầu làm Thủ hiến Ôn-ta-ri-ô vào năm 2003, ông D.Mắc Ghin-ti tiến hành "cải cách toàn bộ hệ thống"; chính quyền bang khuyến khích các trường học thiết lập mục tiêu riêng và cử chuyên gia có kinh nghiệm tới hỗ trợ họ. Các trường học với số lượng lớn trẻ em nhập cư có thể xin giúp đỡ đặc biệt và có thể lựa chọn các biện pháp cải cách phù hợp, như kéo dài ngày học bình thường, hoặc tăng thời gian hỗ trợ các học sinh yếu hơn… Các nhà cải cách Ôn-ta-ri-ô đã tạo ra một điểm đặc biệt được công chúng ủng hộ, đó là cải cách phải được thực hiện ở tận những nơi xa xôi nhất và phải được kiểm tra thường xuyên về sự tiến bộ.
Vrô-cla-va là thành phố lớn thứ tư ở Ba Lan, không thể cạnh tranh với Vác-sa-va về thương mại hoặc vẻ đẹp, nhưng các trường trung học của Vrô-cla-va đã lên mức "trên trung bình" trong bảng xếp hạng PISA, vượt Anh và Thụy Ðiển, ngang bằng các nước ở Ðông Âu. Ba Lan đã thực hiện phân cấp tốt, tập trung khoảng nửa tổng số học sinh vào giáo dục lý thuyết và phần còn lại vào các trường dạy nghề. Học phí và quản lý trường học vẫn được các quan chức nhà nước kiểm soát, nhưng người đứng đầu trường có quyền tự do thuê giáo viên và có thể chọn chương trình học từ danh sách các nhà dịch vụ tư nhân đề xuất.
Ðức là một nước có thành tựu và tình trạng kinh tế hơn bất kỳ quốc gia nào trong OECD. Nhưng nghiên cứu đầu tiên của PISA năm 2000 lại cho thấy, xếp hạng của học sinh Ðức về biết đọc, biết viết thấp hơn trung bình của OECD. Ðây là "cú sốc thật sự" đối với hệ thống giáo dục của Ðức.
Một cuộc đua cải cách giữa các bang của Ðức đã diễn ra; và thắng lợi thuộc về bang Sa-xô-ni ở phía đông, hiện đứng thứ năm trong bảng xếp hạng của Mc Kinsey.
Trong số các yếu tố chính về sự đổi mới ở trường học, đa dạng nguồn cung cấp đang được quan tâm nhất. Từ Niu Oóc đến Thượng Hải, hay ở Ðan Mạch, trường học miễn phí do chính phủ kiểm soát và nhà cung cấp dịch vụ ngoài Nhà nước điều hành, đang mang lại chất lượng mới cho tổng thể các loại hình trường. Tuy nhiên, điều rõ ràng là các trường sáng giá nhất cũng sẽ phải vật lộn với khó khăn, nếu không có giáo viên tốt. Chất lượng giáo viên tốt hơn là nét đặc trưng của tất cả các cải cách. Các quốc gia như Phần Lan và Hàn Quốc thử nghiệm tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ưu tú và trả lương phù hợp. Ðảng Bảo thủ ở Anh chủ trương nâng cao trình độ giáo viên và đưa ra "lời chào vàng" với giáo viên trong các lĩnh vực như khoa học và ngôn ngữ. Sự tiến bộ về cơ cấu, tổ chức lại các trường học có thể diễn ra nhanh, nhưng để có được giáo viên giỏi đòi hỏi nhiều thời gian hơn và vấn đề này cần được ưu tiên…
Theo AN HÒA
(NĐT)

Bình luận (0)