Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cải cách giáo dục ở Việt Nam – “Con tàu” đại học vẫn ì ạch

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bức tranh lớn của giáo dục Việt Nam, giáo dục đại học (GDĐH) có lẽ cần có một sự đổi mới căn bản và toàn diện. Đó cũng là mảng phức tạp nhất. Trong sự phức tạp đó, đâu là những cái nút cần thiết phải được gỡ đầu tiên? Đó là những trăn trở mà GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, gửi đến hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý giáo dục ĐH để cùng thảo luận, tìm giải pháp hữu ích tại hội thảo Cải cách GDĐH Việt Nam, do Nhóm đối thoại giáo dục phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM tổ chức ngày 31-7.

GS Ngô Bảo Châu (trái) trao đổi với các đại biểu tại hội thảo.

Vẫn ì ạch…

GS Ngô Bảo Châu mở đầu hội thảo với một thông tin buồn khi ông công bố kết quả nghiên cứu khoa học về giáo dục của một tờ báo quốc tế: VN tuột dốc so với các nước trong khu vực. Sau quá trình nghiên cứu, GS Ngô Bảo Châu đã khẳng định: “Yếu tố chính làm nên chất lượng giáo dục ĐH là chất lượng đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đội ngũ nghiên cứu khoa học và xây dựng nhân lực cho ĐH của VN có vấn đề”.

GS Ngô Bảo Châu chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn đến hệ quả trên, đó là: VN ưu tiên bồi dưỡng ứng viên địa phương trong khi phương Tây thì hạn chế; quy trình tuyển chọn của VN mang tính hành chính, theo một quy định chung (nước ngoài dựa trên năng lực khoa học); VN bổ nhiệm giáo sư phụ thuộc vào một cơ quan cấp nhà nước (nước ngoài thực hiện việc tự chủ khoa học); thu nhập của đội ngũ khoa học VN quá cứng nhắc, phức tạp và thiếu minh bạch trong khi phương Tây thì mềm dẻo, minh bạch. Ngoài ra, ĐH VN không có chính sách khuyến khích giáo sư nước ngoài, trong khi phương Tây không có sự phân biệt.

Thừa nhận những tồn tại, yếu kém của GDĐH Việt Nam, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT dẫn chứng: “Việc phân tầng chưa rõ ràng dẫn đến đào tạo theo ứng dụng thì thiếu kỹ năng thực hành, còn đào tạo theo hướng nghiên cứu thì thiếu kiến thức chuyên sâu về lý thuyết. Nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH chưa được xem là hoạt động bắt buộc đã khiến kiến thức giảng viên bị lạc hậu nhanh chóng. Suất đầu tư trên mỗi sinh viên còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực”.

GS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH-CN, chia sẻ: “Nhiều năm liền giáo dục không được đầu tư thích đáng cho nghiên cứu khoa học. Hiện nay với nhiều nỗ lực, dù con tàu GDĐH đã được đặt lên đường ray, cung cấp năng lượng nhưng nó vẫn ì ạch, vậy thì tại sao? Theo tôi, việc giao tự chủ hiện nay chưa giao cơ chế vận hành, cái gốc của tự chủ không được giao đó là vấn đề tự chủ tài chính. Nếu không được tự chủ tài chính thì tự chủ chỉ là hình thức”.

Phải cải cách từ gốc

Với nhiều năm giảng dạy, làm việc cho các tổ chức và nghiên cứu tại châu Âu, GS Dương Nguyên Vũ, Giám đốc Viện John Von Neumann (ĐH Quốc gia

* TS Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết: “Kể cả trường hợp ngân sách nhà nước cho GDĐH không tăng, nhưng thông qua việc thay đổi phương thức huy động, phân bổ nguồn lực tài chính, đổi mới chính sách hỗ trợ người học, cơ cấu chi ngân sách vẫn có thể xây dựng hệ thống GDĐH hoạt động có chất lượng, gắn với mục tiêu công bằng và hiệu quả”.

TPHCM), nhìn nhận: “Để thật sự xây dựng đội ngũ nghiên cứu mạnh ở các trường ĐH không thể thiếu được sự tham gia của Bộ KH-CN và Bộ Tài chính. Giữa thu nhập của nhà khoa học và việc nghiên cứu cần có sự cải tổ đồng bộ. Thời gian các chương trình nghiên cứu ngắn hạn, đề tài cấp bộ tối đa chỉ có 2 năm, trong khi đó, sự đam mê khoa học cần có đề tài dài hơi để thực hiện chứ không chỉ là đề tài lẻ tẻ”.

GS Dương Nguyên Vũ băn khoăn: “Hiện nay có nhiều bức xúc trong vấn đề giải ngân cho nghiên cứu khoa học. Tôi đã về VN được 17 năm, nhưng không giải được bài toán về vấn đề tài chính”.

Chia sẻ thêm nhận định trên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng sự gắn kết giữa Bộ KH-CN và Bộ GD-ĐT là cần thiết nhưng chắc chắn sẽ là bài toán lâu dài. Bộ KH-CN đã trình 4 nghị định để phát triển nghiên cứu khoa học nhưng mới có 3 nghị định được thông qua, còn nghị định về tài chính thì đã 7 tháng rồi vẫn chưa thông qua.

Nhìn vấn đề trong bối cảnh toàn cầu hóa, PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, chia sẻ: Ngoài những vấn đề chính sách, vĩ mô, tự bản thân các trường ĐH phải nhận thức được chúng ta đang ở đâu. Hiện nay xu thế toàn cầu hóa, các trường đẩy mạnh cạnh tranh và hợp tác lẫn nhau. Do đó, nếu chúng ta không có nền giáo dục chất lượng thì chắc chắn chúng ta sẽ chết.

Trong khi đó, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, nhìn nhận: “Thí điểm về tự chủ tài chính đối với các trường đại học chưa đồng bộ với các quy định khác nên chưa thành công. Bên cạnh vướng mắc về cơ chế, việc thực hiện quyền tự chủ gặp khó khăn do các trường chưa đủ năng lực và chưa sẵn sàng. Do đó, để thực hiện tự chủ ĐH, cần áp dụng một số giải pháp đồng bộ cấp bách về thể chế, về tổ chức – nhân sự, học thuật và về tài chính”.

THANH HÙNG

(SGGP)

Bình luận (0)