Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Cải cách hành chính trong công tác đăng ký xe

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ – đường sắt, bình quân một ngày lực lượng CSGT phải tiếp nhận số lượng đăng ký xe khoảng 5.000 hồ sơ xe các loại, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Cần Thơ… Điều này đã gây không ít khó khăn cho những người làm công tác đăng ký xe.

Phương tiện giao thông tăng cao công tác quản lý phức tạp. Ảnh: Công Việt

Làm sao để quản lý hồ sơ xe?
Thực tế công tác đăng ký và quản lý xe hiện nay đang tồn tại những khó khăn về nhân lực, kinh phí để xây dựng kho lưu trữ, cũng như các trang thiết bị để bảo quản hồ sơ xe. Chỉ tính riêng tên địa bàn TP.HCM hiện tại Phòng CSGT đường bộ đang quản lý trên 3,5 triệu hồ sơ xe các loại, để quản lý tốt số hồ sơ này, đơn vị cần phải có trên 2.100m2 kho để lưu trữ, trên 30 cán bộ và hàng trăm triệu đồng mỗi năm để bảo quản… Từ thực trạng trên, Tổng cục Cảnh sát đã nghiên cứu khảo sát và lấy ý kiến một số địa phương. Sau đó, tiến hành trao đổi với các đơn vị liên quan và báo cáo Bộ Công an để có hướng dẫn về vấn đề này. Cụ thể, Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 12/2008/TT-BCA về việc “Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BCA của Bộ Công an quy định về tổ chức đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” (gọi tắt Thông tư 12).
Chỉ cấp đăng ký xe cho người thường trú tại địa phương
Việc chủ xe nhận lại một phần hồ sơ đăng ký xe theo quy định tại Thông tư số 12 là thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký, cấp biển số xe; chủ xe có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc. Do vậy, để thực hiện nghiêm túc Thông tư số 12 của Bộ; Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt có công văn số 164/C26-P4 yêu cầu địa phương phải tiếp tục thực hiện Thông tư số 12 của Bộ, trong quá trình thực hiện đã lưu ý một số điểm sau: Sau khi giao một phần hồ sơ đăng ký xe cho chủ xe ký nhận theo quy định tại thông tư này mới giao giấy đăng ký xe. Trường hợp chủ xe không ký nhận lại một phần hồ sơ thì CSGT từ chối không tiếp tục giải quyết đăng ký xe, thu hồi biển số xe (nếu đã cấp) và trả lại hồ sơ xe cho chủ xe. Trong thời gian vừa qua có một số ý kiến hỏi về vấn đề giải quyết đăng ký mô tô, xe gắn máy đối với những người đăng ký tạm trú tại địa phương. Về vấn đề này căn cứ điểm 2.3 phần I tại Thông tư số 01/2007/TT-BCA-C11 của Bộ Công an (gọi tắt là Thông tư 01/2007) thì Công an cấp huyện giải quyết đăng ký mô tô, xe máy cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân trong nước cư trú trong huyện; nhưng các đối tượng này muốn được đăng ký mô tô, xe máy phải có giấy tờ của chủ xe được quy định tại điểm 2.1 và 2.3 mục A phần II Thông tư 01/2007. Ví dụ: Chứng minh nhân dân ghi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ở huyện Long Điền thì do Công an huyện Long Điền giải quyết đăng ký; học viên sinh viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vùng Tàu ở thị xã Bà Rịa thì do Công an thị xã Bà Rịa giải quyết đăng ký. Như vậy, Thông tư 01/2007 chỉ giải quyết đăng ký mô tô, xe máy đối với những người đăng ký thường trú tại địa phương (trừ trường hợp học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường đóng trên địa bàn đăng ký xe) còn các đối tượng khác không được đăng ký xe tại địa phương đăng ký tạm trú.
Huỳnh Xuân

Bình luận (0)