Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cải cách ngành lúa gạo Việt Nam theo định hướng thị trường

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược).

Một trong những mục tiêu của Chiến lược là giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu nhưng giữ ổn định và tăng trị giá xuất khẩu gạo. Như vậy, ngành lúa gạo sẽ phải tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam.

Theo Chiến lược, giai đoạn 2017-2020, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng từ 4,5-5 triệu tấn vào năm 2020, trị giá bình quân khoảng từ 2,2-2,3 tỷ USD/năm.

Giai đoạn 2021-2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4 triệu tấn, trị giá xuất khẩu đạt từ 2,3-2,5 tỷ USD/năm. Đồng thời, tiến hành chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.

Đến năm 2020, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng sản lượng gạo xuất khẩu, gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 25%; tỷ trọng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 30%, gạo nếp chiếm khoảng 20%.

Các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo chiếm khoảng 5%. Bên cạnh đó, tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu Việt Nam.

Đáp ứng nhu cầu thị trường, những năm gần đây, diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao ngày càng tăng lên. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng chủ động hơn trong vấn đề chấp nhận thị trường gạo chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết, xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo. Điển hình ở Đồng bằng sông Cửu Long có từ 10-12 thương hiệu gạo do các doanh nghiệp xây dựng riêng như Hạt Ngọc Trời, Ngọc Đồng…

Theo ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện chưa có quy hoạch quốc gia cho lúa xuất khẩu nhưng các tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, áp dụng công nghệ cao… để sản xuất lúa xuất khẩu. Hiện đã có nhiều chỉ dẫn địa lý với sản phẩm gạo như gạo tám xoan Hải Hậu (Nam Định), gạo Điện Biên…

Nhiều thương hiệu địa phương dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận như nếp cái hoa vàng Kinh Môn (Hải Dương), nếp cái hoa vàng Đông Triều (Quảng Ninh), gạo thơm Sóc Trăng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu ở mức độ thương hiệu chung của doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển thị trường gạo chất lượng cao, Việt Nam vẫn cần phát triển gạo ở các thị trường gạo truyền thống và mở rộng xuất khẩu gạo sang châu Phi.

Bên cạnh đó, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia sản xuất gạo lớn đang gặp nhiều vấn đề về yếu tố tác động như xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu… Bởi vậy, việc sản xuất lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức lớn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) để có những bộ giống chủ lực cho từng vùng và gắn kết ngay với thị trường tiêu thụ lúa gạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, thực hiện Đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ngành nông nghiệp đã đưa ra hệ thống các gói giải pháp từ khâu cải tiến bộ giống đến hình thành gói kỹ thuật và các điều kiện hạ tầng, đặc biệt là cơ giới hóa trong sản xuất, bảo quản, chế biến và sản xuất theo chuỗi. Đồng thời, định dạng các thị trường xuất khẩu lúa gạo Việt Nam, từ đó xác định các giống phù hợp cho từng thị trường, phân khúc từng thị trường lúa gạo.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho biết, trước mắt tập trung đẩy mạnh nghiên cứu bộ giống có chất lượng và nghiên cứu gói kỹ thuật sản xuất lúa cho từng vùng cụ thể theo hướng giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao chất lượng gạo. Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước chuyển đổi nông nghiệp bền vững.

Thực hiện Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát, xác định các vùng trồng lúa có lợi thế để điều chỉnh quy hoạch sản xuất, chuyển đổi diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang mục đích khác. Xây dựng kế hoạch, lộ trình điều chỉnh quy mô sản xuất, sản lượng phù hợp với nhu cầu trong nước, thế giới và năng lực cạnh tranh của gạo Việt Nam.

Song song với đó, quy hoạch và tổ chức sản xuất theo vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh lúa hàng hóa phục vụ xuất khẩu sang các thị trường cụ thể với sự liên kết, liên doanh, đặt hàng của doanh nghiệp. Tại vùng này, từ khâu chọn giống đến quy trình canh tác, sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm đều thực hiện theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Chọn lọc, thống nhất đưa vào sử dụng bộ giống lúa phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường tiêu thụ.

Từ nay đến cuối năm, thị trường xuất khẩu gạo đang được dự báo sẽ rất khởi sắc. Ngành nông nghiệp đang quyết liệt triển khai các giải pháp cho vụ lúa Thu Đông tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để chớp thời cơ thuận lợi này.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, vụ Thu Đông năm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là vụ lúa duy nhất còn lại trong năm để đảm bảo an ninh lương thực và bù đắp cho sản lượng lúa cả nước đã bị tụt giảm trong vụ Đông Xuân 2017.

Cụ thể, sản lượng lúa Đông Xuân cả nước năm 2017 đạt 19,1 triệu tấn, giảm 296.600 tấn so với năm 2016. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá lúa gạo đã và đang được dự báo có khả năng lên từ nay tới cuối năm, đây là dịp để nông dân Đồng bằng sông Cửu Long tranh thủ thời cơ phục vụ xuất khẩu và tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng để sản xuất lúa Thu Đông năm nay đảm bảo ăn chắc, trước hết các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung tăng cường theo dõi diễn biến của dịch hại trên đồng, nhất là rầy nâu và bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá. Các loại sâu bệnh này đang có chiều hướng phát triển mạnh để bảo vệ diện tích và năng suất lúa Hè Thu hiện còn chưa thu hoạch xong.

Với vụ Thu Đông tới, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm phục vụ xuất khẩu có giá trị cao như Jasmine 85, Nàng Hoa 9, VD20. Các giống lúa chủ lực xuất khẩu đạt tiêu chí hạt dài, trắng trong, không bạc bụng chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao như OM4900, OM6976, OM5451, OM 7347.

 

Theo Thông tấn xã Việt Nam

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)