Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vẫn đang tiếp tục. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ chính thức thông qua chính sách cải cách tiền lương. Theo đó, trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận nhiều về nội dung này. Từ ý kiến của các đại biểu cho thấy, với cách tính hiện nay, lương của kỹ sư mới ra trường đang thấp hơn lương của nhân viên tạp vụ. Để đồng lương trở thành động lực của người lao động thì cách tính lương mới sẽ khắc phục hoàn toàn những bất cập, nghịch lý của cách tính cũ…
Chính sách tiền lương mới bổ sung 10% lương cơ bản để thưởng cho cán bộ, công viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Hiện nay tăng lương chỉ đủ bù trượt giá
Với cách tính lương hiện nay, theo ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, những năm qua, việc tăng lương cơ sở 7% thực ra là bù vào trượt giá, chưa phải cải cách tiền lương.
Ông Dung nêu thực tế, mức lương của một kỹ sư ra trường là 3,5 triệu đồng, thấp hơn mức thấp của tối thiểu vùng (4 triệu đồng), tiếp nhận tài năng với bậc lương 2,67 nhân với lương cơ sở 1,8 triệu đồng bằng 4,806 triệu đồng. “Thế thì sống làm sao?”, ông Dung tâm tư.
Không những vậy, ông Dung còn đưa ra một bài toán so sánh để thấy được cách tính lương hiện nay có nhiều bất cập. Đó là, hiện thang bảng lương 3 năm một lần tăng. Bởi vậy mới có tình trạng, nhân viên tạp vụ có khi lương cao hơn kỹ sư mới ra trường.
“Vì vậy, đến thời điểm này đã chín muồi để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương khóa 12 (về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp). Không cải cách không được. Đầu tư cho cải cách tiền lương là đầu tư cho phát triển. Đã 3 lần lỡ hẹn với cán bộ, công chức, viên chức, đến nay điều kiện đã đủ, không thể làm khác được”, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dung, đi cùng với cải cách tiền lương khu vực công thì phải cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp Nhà nước cũng như điều chỉnh phù hợp lương với đối tượng hưu trí và các đối tượng khác. Trong đó, với khu vực công, quan trọng nhất là xóa bỏ mức lương cơ sở, trả lương theo vị trí việc làm, ban hành 5 thang bảng lương.
Còn với khu vực doanh nghiệp Nhà nước, hiện có tình trạng doanh nghiệp thua lỗ, công nhân không có thu nhập nhưng “người quản lý lương rất cao”, vì họ hưởng bảng lương hoàn toàn khác với người lao động. Vì vậy, phải cải cách lương ở khu vực này. Trong đó, người quản lý hưởng lương cùng lao động, khi lợi nhuận cao thì cả hai hưởng cao. Đồng thời, tách hoàn toàn người quản lý với người giám sát vì “các nước người quản lý sợ ông giám sát, nhưng nước ta thì ngược lại, ông giám sát sợ ông chủ vì ông chủ trả lương”.
Ngoài ra, ông Dung cũng đề nghị Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương, doanh nghiệp hoàn toàn ban hành, khi đó Nhà nước đưa ra mức lương tối thiểu cho người lao động.
Nhắc đến đề xuất cải cách tiền lương từ 1-7-2024, bà Vũ Thị Lưu Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội – cho rằng, có 2 điểm cần lưu ý. Một là kiềm chế lạm phát trong bối cảnh tăng lương. Mỗi lần điều chỉnh lương, kể cả lương của những người đã nghỉ hưu thì đều có những tác động tiêu cực về mặt lạm phát, giá cả tăng cao. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ riêng 4 tháng năm 2023 đã có 31% hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao. Tăng lương mà không kèm theo những biện pháp kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của việc tăng lương sẽ không được bảo đảm.
Điểm lưu ý thứ hai, theo bà Mai, trong bối cảnh ngân sách còn chừng mực thì việc tăng lương là một sự cố gắng nhưng phải mang tính thực chất, không cào bằng.
Lương sẽ trả theo vị trí việc làm
Cũng tại kỳ họp, trong phiên thảo luận tổ, nói về vấn đề cải cách tiền lương, bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ – khẳng định, cải cách tiền lương không những nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và gia đình của họ mà còn một điều quan trọng nữa chính là nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra cải cách tiền lương cũng chính là động lực tăng trưởng kinh tế. Bởi khi tiền lương được nâng lên sẽ tác động đến cung cầu. Cải cách tiền lương còn thực hiện mục tiêu cơ cấu, sắp xếp lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cũng từ đó đáp ứng trở lại với yêu cầu cải cách tiền lương bền vững.
Theo bà Trà, cách tính lương mới là một tư duy đột phá hoàn toàn. Hệ thống bảng lương được xây dựng theo vị trí việc làm và theo chức danh lãnh đạo quản lý.
“Cách tính lương theo hệ số hiện nay tồn tại từ năm 2004. Qua 4 lần cải cách tiền lương, chưa có lần nào đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này. Đây là một chính sách lương mới rất tiến bộ, công bằng, thật sự hài hòa và hợp lý”, bà Trà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, để thực hiện được chính sách cải cách tiền lương là sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành trong thời gian qua; đặc biệt là sự nỗ lực trong việc tạo nguồn cho cải cách tiền lương. Trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, hệ lụy kép từ tình hình thế giới và trong nước, nền kinh tế khó khăn nhưng chúng ta vẫn quyết tâm “thắt lưng buộc bụng”, đến nay lo đủ nguồn đã có 560 nghìn tỷ đồng để phục vụ cho cải cách tiền lương từ 1-7-2024 đến năm 2026.
Nói rõ hơn về nội dung cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, chính sách tiền lương mới với một tư duy đột phá hoàn toàn, phù hợp với xu thế thế giới và phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, chính sách tiền lương mới được cơ cấu lại để tính tỷ lệ lương cơ bản (70%), tỷ lệ phụ cấp (30%); loại hết những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù và bổ sung 10% lương cơ bản để thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện mục tiêu thưởng cho cán bộ, công viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. “Điều này phù hợp với xu thế công bằng, tiến bộ”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Bà Trà cũng thông tin thêm, theo chính sách tiền lương mới này có 36 đơn vị của một số ngành không còn được hưởng chính sách lương đặc thù nữa (cao hơn mặt bằng chung).
“Nếu xây dựng bảng lương chạy ngang thì có một số cơ quan có thể bị giảm 50% lương. Tuy nhiên theo tinh thần Nghị quyết 27 thì những cơ quan có chính sách lương đặc thù sẽ được bảo lưu (không tăng thêm nhưng không giảm đi). Như vậy để hướng đến sự công bằng với người hưởng lương”, Bộ trưởng Trà nói rõ hơn.
Để trả lời câu hỏi mà nhiều người quan tâm rằng “Tiền ở đâu để thực hiện cải cách tiền lương?”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận, nguồn lực chuẩn bị cải cách tiền lương mới thực hiện từ 1-7-2024, sau đó mỗi năm tăng 7% bù trượt giá và tăng GDP chỉ đảm bảo đến năm 2026. Sau năm 2026 nếu không nỗ lực thì khó thực hiện tiếp chính sách tiền lương mới.
“Vì vậy, để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu là tăng thu, tiết kiệm chi để tạo nguồn lực tài chính bền vững”, bà Trà đề nghị.
Thùy Linh
Bình luận (0)