Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cải cách tư pháp ở TPHCM: Chưa như mong muốn

Tạp Chí Giáo Dục

Nghị quyết 49-NQ/TƯ về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” xác định tòa án là khâu trung tâm của cải cách tư pháp, hoạt động xét xử là khâu trọng tâm để xây dựng nền tư pháp vững mạnh. Thực tế những năm vừa qua, chất lượng xét xử của ngành TAND TPHCM được nâng lên, việc tranh tụng tại tòa được hội đồng xét xử quan tâm hơn nhằm tuyên những bản án thuyết phục, công minh, hạn chế tình trạng oan sai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nỗi lo…

Lỗi chủ quan

Ở một vài nơi, vẫn xảy ra tình trạng án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan. Năm 2011, tại TAND quận Phú Nhuận có 19/28 bản án dân sự, hôn nhân – gia đình, hành chính, kinh doanh – thương mại, lao động bị TAND TPHCM xét xử phúc thẩm tuyên hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Tại TAND huyện Bình Chánh, qua xét xử phúc thẩm của tòa án cấp trên, có 63 án bị hủy, sửa (tăng 6 vụ so với năm 2010), trong đó 31 vụ hủy, sửa do cấp sơ thẩm sai. Nguyên nhân chủ yếu là do thẩm phán đánh giá chứng cứ chưa đúng, quy định của pháp luật còn bất cập dẫn đến cách hiểu của thẩm phán khác nhau, hội đồng xét xử không đưa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào vụ án, không triệu tập người bị hại tham gia phiên tòa…

Việc không thống nhất trong quan điểm khởi tố, truy tố, xét xử giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cũng khiến hiệu quả tiến trình cải cách tư pháp chưa được như mong muốn. Tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND TPHCM vừa qua, ông Huỳnh Chiến, Chánh án TAND quận Phú Nhuận dẫn chứng: Có những vụ án mang tính chất lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản người khác với số tiền, vàng rất lớn, TAND quận Phú Nhuận đề nghị cơ quan công an, viện kiểm sát khởi tố hình sự nhưng hai cơ quan này không đồng ý vì cho rằng đây là những vụ tranh chấp dân sự. Hoặc có vụ sau khi cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm lại bị xét xử giám đốc thẩm tuyên hủy nhiều lần, dẫn đến thời gian giải quyết kéo dài. Những trường hợp như trên khiến người dân hoài nghi vào sự chặt chẽ, thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Biên chế – Bài toán khó

Một trong những khó khăn mà cơ quan tiến hành tố tụng nào cũng gặp phải là vấn đề thiếu biên chế, khiến các cán bộ luôn trong tình trạng làm việc quá tải. Tại huyện Bình Chánh, tòa án còn thiếu 4 biên chế; viện kiểm sát thiếu 6 biên chế và 1 chức danh phó viện trưởng; công an thiếu khoảng 150 biên chế trong khi huyện Bình Chánh địa bàn rộng, án nhiều.

Nhân viên UBND phường Đa Kao quận 1 hướng dẫn người dân làm hồ sơ.

Tương tự, ở quận Phú Nhuận, tòa án thiếu 1 thẩm phán; viện kiểm sát thiếu 2 biên chế. Ông Nguyễn Thanh Phương, Viện trưởng Viện KSND quận Phú Nhuận bày tỏ sự lo lắng thiếu hụt nguồn nhân lực: “Trong thời bão giá như hiện nay, lương một sinh viên mới tốt nghiệp về làm việc tại đơn vị chỉ khoảng 1,8 triệu đồng/tháng nên rất khó tuyển dụng. Mà nếu đã tuyển dụng được thì nhiều em chỉ làm khoảng 8 tháng đến 1 năm là nghỉ để chuyển sang công việc khác với mức lương hấp dẫn hơn.

Do vậy, cần có chính sách trợ giá, trợ lương nếu muốn giữ chân đội ngũ CB-CC làm việc tại các cơ quan tư pháp”. Nỗi lo thường trực này đè nặng nhiều nhất lên vai cơ quan điều tra. Từ khi tăng thẩm quyền, số lượng án thụ lý điều tra theo thẩm quyền tại các quận – huyện tăng cao, trong khi đó lực lượng điều tra viên thiếu so với nhu cầu, dẫn đến các điều tra viên luôn bị quá tải.

Đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Công an quận 7 cho biết: Cơ quan điều tra vẫn còn thiếu khoảng 15 – 20 điều tra viên so với định biên nên hiện trung bình mỗi điều tra viên phải “ôm” 20 – 25 vụ/năm. Do áp lực công việc, một số điều tra viên ngại mở rộng vụ án, nhanh chóng kết thúc án cho kịp thời gian quy định hoặc phải tìm cách gia hạn điều tra vụ án để có thời gian giải quyết.

Rõ ràng, một khi những vướng mắc, tồn tại nêu trên chưa được giải quyết thì quá trình thực hiện cải cách tư pháp nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, nghiêm minh vẫn còn nhiều nỗi lo.

Ái Chân

Theo SGGP

Bình luận (0)