Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cái đèn sân khấu còn chưa đúng chuẩn

Tạp Chí Giáo Dục

 “Thực trạng và hướng phát triển” là chủ đề của hội hảo khoa học về sân khấu kịch nói TP.HCM do Trường đại học Sân khấu Hà Nội và báo Sân khấu TP.HCM phối hợp tổ chức sáng 29-5.
Vừa nghe tên chủ đề, nhiều đại biểu tham dự đã đoán trước được những nội dung sẽ được bàn đến. Và… đúng như vậy, những tham luận được trình bày trong hội thảo vẫn xoay quanh những vấn đề đã được nói đến từ nhiều năm nay, không có gì mới. Vậy tại sao một hội thảo không có gì mới vẫn diễn ra và quy tụ đông đảo những nhà nghiên cứu, tiến sĩ, thạc sĩ, tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo cả hai miền?
Câu trả lời không nằm trong sự bức xúc vì những cái gọi là “thực trạng” của sân khấu TP.HCM. Bởi thực trạng về chuyện thiếu kịch bản, diễn viên chạy sô, nhà hát lạc hậu, kịch ma, kịch hài, kịch đồng tính… vốn đã được những hội thảo tương tự đem ra mổ xẻ không biết bao nhiêu lần, riết rồi cũng… bớt bức xúc.
Câu trả lời cũng không nằm trong sự trông đợi về một “hướng phát triển” mới của sân khấu TP.HCM, bởi quanh đi quẩn lại vẫn là chữ “xã hội hóa” và “định hướng”. Còn những đề xuất và giải pháp về đào tạo nhân lực, xây dựng nhà hát, nâng cao thị hiếu, mở trại sáng tác… lại là những chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn rất xa xôi.
Có lẽ sự cần thiết của một hội thảo như thế này, bên cạnh những tham luận nhiều học thuật và sách vở, nhất thiết phải là những tranh luận mang tính thực tế và cụ thể. Như tác giả Lê Duy Hạnh cho rằng đã đến lúc cần phải thẳng thắn với nhau về một mô hình sân khấu xã hội hóa có định hướng, Nhà nước cần định hướng những gì và sân khấu tư nhân tiếp nhận sự định hướng đó cụ thể thế nào. Còn NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng những thể loại như kịch ma, kịch đồng tính… nếu dở thì tự nó sẽ bị đào thải bởi khán giả, Nhà nước và báo chí không cần thiết phải quá “bi quan”.
Tác giả Vương Huyền Cơ tiết lộ chuyện những hội trại sáng tác chỉ trao giải cho những tác phẩm mang nặng tính tuyên truyền mà xa rời thực tế. Trong khi đó, NSƯT Thanh Hoàng thật thà chia sẻ kinh nghiệm xin tiền tài trợ của doanh nghiệp để đi lưu diễn phục vụ… Nhưng tâm sự cụ thể nhất, “xót xa” nhất lại là chuyện mấy cái đèn của NSƯT Thành Hội. Theo anh, sân khấu hiện nay chỉ hơn thời của NSND Phùng Há ở chỗ mấy cái đèn có mới một chút, nhưng vẫn không phải là loại đèn đúng chuẩn sân khấu nên ánh sáng cứ “tè le”.
Buổi hội thảo bị gián đoạn ít lâu vì… cúp điện, thỉnh thoảng ngửi phải mùi thức ăn bốc lên từ căn bếp sát bên. Bởi buổi họp được tổ chức trong không gian chật hẹp và cũ kỹ của Hội Sân khấu TP.HCM – nơi đã được quy hoạch sẽ trở thành “nhà hát trong mơ” trong tương lai nhưng mãi vẫn chưa thấy.

Theo TTO

Bình luận (0)