Trẻ con mê game, thường dán mắt vào iPad, điện thoại, máy tính đến nỗi quên ăn, quên ngủ vốn đã là chuyện phổ biến. Khi hè đến tình trạng này còn trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên xử trí bằng cách nào để tốt cho con là điều luôn khiến cho phụ huynh bối rối, thậm chí buông xuôi.
Để giúp con thoát khỏi sự phụ thuộc của game, phụ huynh hoặc người chăm sóc cần kiên quyết với trẻ hơn, kể cả trẻ ở độ tuổi mầm non |
Cần các hoạt động thay thế
Bé Phan Thiên Hải, học sinh Trường Mầm non Họa Mi 2 (Q.5), mới đang ở tuổi chuẩn bị vào lớp chồi nhưng đã gặp phải vấn đề về mắt. Bà Nguyễn Thị Huệ, bà nội của Hải cho biết, nguyên nhân có thể do bé chơi iPad quá nhiều. Đi học về là ôm khư khư cái iPad cho tới tối. Vào hè bé chơi cả ngày không biết chán. Khoảng hơn 2 tuần trước, thấy cháu hay nheo mắt và thường xuyên dụi mắt, bà Huệ đã giục giã đưa cháu đi khám. Kết quả cho thấy cả hai mắt đều có vấn đề, một bên bị loạn thị và một bên bị viễn thị.
Cũng vì để được “yên thân” ngày hè, chị Phương (P.6, Q.Tân Bình) đã tập trung đồ công nghệ trong gia đình gồm 2 iPad và 2 điện thoại cảm ứng để 4 đứa cháu trai chơi tùy thích. Cái lợi là mấy đứa nhỏ ngoan hẳn, không quậy phá vì cứ chơi mê tít, nhưng đôi khi cũng làm cho chị bực bội khi thấy cháu quá mê chơi, đến nỗi sáng ngủ dậy là tìm đồ chơi, không thèm rửa mặt, đánh răng, không màng đến chuyện ăn uống, trốn ngủ trưa. Thậm chí khi bị thúc ép thì “yêu cầu” vừa ăn vừa chơi, nằng nặc đòi đem theo máy vào nhà tắm và thường xuyên ôm máy cho đến 11-12 giờ khuya. Có lần chị Phương đã rất giận khi bắt quả tang đứa cháu 8 tuổi lén chơi game đến 1 giờ sáng. Có lúc bực quá chị cũng lấy lại máy, nhưng rồi lại không nỡ cấm đoán khi thấy cháu khóc lóc, hét toáng, quăng đồ đạc trong nhà.
Bàn về vấn đề này, thạc sĩ – chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Phòng khám Nhi đồng thành phố) lưu ý, việc cho trẻ sử dụng công nghệ làm trò giải trí để lấp vào thời gian trống vốn đã là vấn đề nan giải cho phụ huynh trong năm học, khi nghỉ hè thì việc đó càng khó khăn hơn. Bởi vì trẻ không biết tự chơi, do trẻ đã quen phải có người bên cạnh nhắc nhở, từ việc học, chuyện ăn uống, giải trí nên việc tự chơi cũng rất khó. Thế nhưng với game trẻ lại dễ bị “mê hoặc” và phụ thuộc. Vì đây là dạng chơi đã được bày sẵn, trẻ không cần phải tư duy, sáng tạo. Tuy nhiên hậu quả của tình trạng lạm dụng này sẽ làm cho trẻ bị ảnh hưởng về mắt, cột sống, vai gáy. Vì thường khi chơi trẻ ngồi tư thế sai, hay gồng lên nên sẽ bị căng cơ và mệt mỏi. Thậm chí có trường hợp bị tê hết tay chân vì ngồi lâu quá máu huyết không lưu thông được. Có thể nói tình trạng trẻ bị lệ thuộc game, không chỉ khiến cho phụ huynh thêm lo lắng về ngày hè của con, mà còn làm cho trẻ trở nên thụ động, bị xáo trộn nề nếp sinh hoạt vốn đã được thực hiện rất quy củ khi học ở trường.
Do đó, để giúp con thoát khỏi sự phụ thuộc của game, phụ huynh hoặc người chăm sóc cần kiên quyết với trẻ hơn, kể cả trẻ ở độ tuổi mầm non. Thực tế có rất nhiều bố mẹ đi khám chậm nói cho con, đã tự hào khoe rằng “con em không biết cái này không biết cái kia nhưng riêng iPad nó quẹt tốt lắm. Trò gì cũng biết hết”. Tuy nhiên cần lưu ý rằng trẻ con rất nhanh quen, chỉ cần khoảng trong 3 ngày sử dụng iPad hoặc điện thoại để chơi game, thì nghiễm nhiên trẻ đã coi đó là vật sở hữu của mình. Nên nếu bị “tịch thu” phương tiện chơi game, trẻ thường ăn vạ vì có cảm giác “bị tước mất quyền được chơi”. Khi đó, phụ huynh cần có hoạt động khác thay thế để trẻ không bị hụt hẫng. Chẳng hạn như tìm bạn chơi cho con và hướng dẫn trẻ cùng nhau chơi những trò chơi có tính giao tiếp và sáng tạo như lắp ráp Lego, cắt dán thủ công, viết những câu chuyện hoặc kịch bản nhỏ, sáng chế như những nhà khoa học tí hon… Đồng thời khuyến khích các bé “báo cáo” những kết quả đã làm được để tạo sự hứng thú cho trẻ.
Lập lại nề nếp khoảng 2-3 tuần trước khi vào học
Theo chị Võ Thị Minh Huệ, thời gian nghỉ hè của trẻ thường trở thành nỗi ám ảnh của phụ huynh bởi vì bố mẹ đã quen với việc giao con cho trường lớp, nên không chủ động được trong việc sử dụng mùa hè có ý nghĩa đối với con. Tuy nhiên, nếu bố trí thời gian hợp lý ở bên cạnh con, thì phụ huynh cũng vẫn có thể điều chỉnh con được. Chẳng hạn như có thể cho trẻ kéo dài thời gian ngủ hơn, nhưng các sinh hoạt thì vẫn phải đảm bảo giờ nào việc đó.
Để làm được việc này, bố mẹ cần có sự thống nhất để cùng giúp trẻ vào nề nếp, mọi sinh hoạt cần được thực hiện theo thời gian biểu rõ ràng, giờ nào làm việc gì. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần giải thích với con về tác hại của việc lạm dụng các thiết bị iPad, điện thoại, ti vi… Đề cập với con về vấn đề này, phụ huynh cũng không nên quá lo vì khi nói những điều này thì trẻ con sẽ hiểu, vấn đề là mình có kiên quyết làm hay không. Đặc biệt, khi giúp con “cai” game, iPad, điện thoại có hiệu quả, phụ huynh cũng cần hạn chế sử dụng để làm gương cho con.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)