Trong bối cảnh kinh tế sụt giảm, tỉ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản vẫn thấp, một phần do chế độ làm việc suốt đời. Tuy nhiên, chính sách này cũng có cái giá của nó .
Ngay cả khi đơn đặt hàng giảm phân nửa từ cuối tháng 10 năm ngoái, ông Hiroyuki Taruki, Giám đốc điều hành Công ty kim loại High Metal ở Nhật Bản, cũng không hề nghĩ đến việc sa thải nhân viên. Thay vào đó, ông dành thời gian tìm kiếm dự án mới để nhân viên có việc gì đó để làm, chẳng hạn như lập một khu vườn trồng rau trong nhà hoặc một xưởng thủ công.
Ông Hiroyuki Taruki, Giám đốc điều hành Công ty High Metal, làm việc tại nhà máy. Ảnh: The New York Times
48.000 công ty tìm kiếm trợ cấp
Trong 3 tháng qua, nhờ sự trợ cấp của chính phủ, ông Taruki đã cho trồng rau quả trong nhà, tận dụng những khoảng không gian trống có được sau khi công ty thanh lý bớt máy móc không còn được sử dụng. Nhân viên Công ty High Metal giờ đây dành nhiều thời gian để chăm sóc vườn rau của mình, làm quen với những công việc như bón phân, điều chỉnh ánh sáng đèn huỳnh quang…
Tương tự, khi doanh số công ty chế tạo máy móc Shinano Kogyo ở miền Trung Nhật Bản giảm 70% vào cuối năm ngoái, lãnh đạo công ty đã phái nhân viên nhàn rỗi của mình đi quét đường hoặc thu gom rác tại cộng đồng địa phương trong lúc vẫn trả lương cho họ.
Các con số thống kê cho thấy dù kinh tế Nhật Bản đang sụt giảm mạnh, nhưng tỉ lệ người lao động bị mất việc làm ở nước này vẫn thấp hơn nhiều so với ở Mỹ hoặc Liên hiệp châu Âu. Báo The New York Times (Mỹ) dẫn lời các chuyên gia cho rằng điều này xuất phát từ thực tế chế độ làm việc suốt đời vẫn còn rất phổ biến ở Nhật Bản, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Ông Peter Matanle, một chuyên gia về tuyển dụng ở Nhật Bản tại Đại học
Cái giá phải trả
Tuy nhiên, sự chú tâm quá mức của doanh nghiệp Nhật Bản đối với việc giữ chân nhân viên thường xuyên – ngay cả những người không cần thiết – cũng có cái giá của nó. Các công ty buộc phải giảm lương bổng, khiến chi tiêu của người tiêu dùng giảm theo. Doanh nghiệp trở nên miễn cưỡng hơn trong việc tuyển dụng nhân sự mới, đóng lại cánh cửa vào thị trường lao động đối với giới trẻ. Ngoài ra, năng suất lao động giảm gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Hisashi Yamada, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, nhận định: “Bằng cách duy trì lượng lao động dư thừa, chúng ta đối mặt với nguy cơ giữ lại những doanh nghiệp không còn khả năng cạnh tranh hoặc hoạt động hiệu quả. Điều này về lâu dài có thể tổn hại đến vấn đề tuyển dụng lao động”. Do khó sa thải người lao động, các công ty đã chuyển sang sử dụng lao động tạm thời, những người này hưởng ít lương và phúc lợi hơn đồng thời bị sa thải dễ dàng hơn. Số lượng nhân công tạm thời hiện chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động của Nhật Bản. Dù vậy, vẫn có một số nhà phân tích tự hỏi rằng liệu tình trạng suy thoái của kinh tế Nhật Bản có trở nên nghiêm trọng đến mức các công ty cuối cùng sẽ phải đụng đến đội ngũ nhân viên thường xuyên của mình hay không.
Phương Vo (nld)
Bình luận (0)