Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cái giá của sự dễ dãi…

Tạp Chí Giáo Dục

Các bị cáo tỏ ra ăn năn trước phiên tòa

Mặc dù không được tham gia phiên tòa, nhưng rất nhiều người vì hiếu kỳ đã lặn lội một quãng đường dài chỉ để đứng bên ngoài “nghe ngóng” diễn tiến phiên xử kín. Tuy nhiên, trong vụ án này, sự trách giận của họ không chỉ dành riêng cho bị cáo…
Sự dễ dãi đáng trách!
Sáng ngày 12-4, tại TAND TP.HCM đã diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án “hiếp dâm trẻ em”. Người bị hại là một cô gái khá xinh và nhỏ nhắn. Khi đến với phiên tòa, M.N (ngụ xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM) vừa qua ngưỡng 18 tuổi – lứa tuổi hồn nhiên mà theo lẽ thường, N. phải được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Thế nhưng, vì mặc cảm, N. đã nghỉ học và hiện em đang làm công nhân cho một xí nghiệp. Trên gương mặt N. lúc này chỉ còn lại sự dày dạn, từng trải bởi những va vấp đầu đời cũng như chính lối sống buông thả, quá dễ dãi trong các mối quan hệ khiến em – dù là bị hại trong vụ án khá nghiêm trọng song vẫn đáng trách và không nhận được sự cảm thông từ dư luận…
Theo cáo trạng, khoảng 18 giờ ngày 3-11-2006, N. đi uống cà phê thì gặp Võ Tấn Tài (SN 1988) cùng một số thanh niên khác. Cả nhóm ngồi uống cà phê được một lúc thì thống nhất cùng nhau ra cánh đồng “dạo mát”. Trên đường đi, Tài và N. đi chậm cách nhóm chừng 20m. Lợi dụng trời tối, Tài vật ngã N. xuống bờ kênh và thực hiện hành vi giao cấu. Bị N. chống cự gây thương tích nên Tài đứng lên bỏ về. Đến cuối tháng 1-2007, Trần Thanh Tú (SN 1991) đi cùng với hai thanh niên thì bắt gặp N. đứng bên đường nên rủ đi chơi và được N. đồng ý. Trên đường đi, nhóm của Tú gặp một nhóm khác gồm Võ Tấn Tài, Phạm Hoàng Phương (SN 1989), Cao Kiếm Hùng Linh (SN 1981), Lê Huỳnh Tuấn (SN 1985)… đi ngược chiều. Thấy vậy, nhóm Tài quyết định quay đầu xe đi theo nhóm Tú. Sau khi dẫn N. vào rẫy bắp, Tú dùng vũ lực cưỡng bức N. và gọi Phương, Linh đến thực hiện hành vi giao cấu với N. Trong lúc Linh đang “hành sự” thì thấy có ánh đèn của người soi ếch nên đứng lên bỏ về. Thấy vậy, Tài thừa cơ dẫn N. ra phía sau hàng cây tiếp tục giở trò đồi bại… 
Sự việc rơi vào im lặng cho đến lúc gia đình phát hiện N. có những dấu hiệu bất thường của thai phụ nên tra hỏi và phát hiện vụ việc. Tại phiên tòa, N. cho biết: “Vì các bị cáo hăm dọa sẽ giết chết nếu chuyện bại lộ nên không dám tố cáo”. Trong khi đó, là người chứng kiến sự việc nhưng Lê Huỳnh Tuấn cũng không tố giác hành vi của bạn mình. Khai nhận với cơ quan điều tra, N. khẳng định còn bị nhiều đối tượng khác hãm hiếp nhiều lần, song kết quả điều tra chưa xác định được nên không có cơ sở xử lý!
Bài học cho các bậc cha mẹ
Lắng nghe đối chất giữa các bên cũng như sự khai nhận từng chi tiết hành vi đồi bại của các bị cáo, những người có mặt không tránh khỏi cảm giác quặn lòng, vừa xót thương vừa trách giận họ. Bà H. – mẹ của N. tỏ rõ sự đau khổ khi hội đồng xét xử lần giở lại từng trang cáo trạng. Bản thân bà H. cũng thừa nhận chính sự buông lỏng của gia đình đã dẫn đến sự hư hỏng của N. Từ một cô bé hiền lành, N. thường xuyên vắng nhà đi chơi khuya, học lực sa sút và trở nên bướng bỉnh đến mức có lần gia đình phải nhờ đến sự hỗ trợ giáo dục của chính quyền địa phương.
Mặc dù không được tham dự phiên tòa bởi tính chất vụ án liên quan đến danh dự, nhân phẩm một con người. Nhưng theo nhiều người thì phần lỗi thuộc về người bị hại, đó chính là sự dễ dãi khi N. chấp nhận đi chơi với các bị cáo ngay cả khi không quen biết họ. Còn các bị cáo thì nhận thức quá kém, tất cả đều có trình độ học vấn thấp, kẻ làm công nhân, người thất nghiệp. Họ đến với N. và lợi dụng thái độ dễ dãi, bất chấp của cô để thực hiện hành vi tội lỗi mà không biết rằng mình đang phạm pháp. Chỉ đến khi đứng trước vành móng ngựa, với tội danh “hiếp dâm trẻ em”, họ mới òa khóc và nhận ra sự nông nổi của mình. Câu chuyện này không chỉ là bài học dành riêng cho bà H. mà còn soi chung cho các bậc cha mẹ trong việc chăm lo, dạy dỗ con cái của mình.
Bài, ảnh: Tuyết Dân
Với tội danh “hiếp dâm trẻ em”, Hội đồng xét xử TAND TP.HCM tuyên phạt các bị cáo Võ Tấn Tài, Cao Kiếm Hùng Linh, Phạm Hoàng Phương và Trần Thanh Tú lần lượt 18, 16, 12 và 8 năm tù giam. Riêng bị cáo Lê Huỳnh Tuấn được hưởng án treo một năm về tội “không tố giác tội phạm”. Ngoài ra, các bị cáo phải bồi thường nhân phẩm cho bị hại 12.800.000 đồng/ bị cáo
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)