Mới đây, tại TP.HCM, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã tổ chức hội nghị giao ban công tác DS-KHHGĐ khu vực phía Nam. Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tân – Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: “Tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng tăng ở nước ta, từ 107 trẻ trai/100 trẻ gái năm 1999 tăng lên 112 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2007. Đặc biệt ở nhiều tỉnh thành, tỷ số này lên tới 128 trẻ trai/100 trẻ gái. Thêm vào đó, tình hình phụ nữ di cư lấy chồng nước ngoài có xu hướng tăng ở một số địa phương càng làm trầm trọng thêm vấn đề mất cân bằng giới tính theo hướng thừa nam, thiếu nữ ở nước ta”.
Vậy đâu là nguyên nhân? Với chủ trương chỉ được sinh một con, cùng tâm lý “trọng nam, khinh nữ”, vào những năm 1988 – 1990, tỷ số giới tính ở Trung Quốc là 112 trẻ nam/100 trẻ nữ. Đây là thời kỳ nước này bước vào giai đoạn mất cân bằng giới tính. Hậu quả của mất cân bằng giới tính đã khiến hàng chục triệu thanh niên Trung Quốc “ế vợ”. Còn ở Việt Nam, tuy tâm lý “trọng nam, khinh nữ” không nặng nề như Trung Quốc, song nhiều người vẫn muốn có con trai “nối dõi tông đường”. Để có con trai, không ít cặp vợ chồng sinh tới 4 – 5 đứa con. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành trong cả nước, số trẻ em sinh ra trong 9 tháng đầu năm 2008 là 863.984 trẻ. Trong đó, số trẻ là con thứ ba trở lên là 93.053 trẻ. Ước tính cả năm 2008, số trẻ em sinh ra là con thứ ba trở lên là 142.485 trẻ. Những địa phương có nhiều người sinh con thứ ba trở lên là Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Tiền Giang, Điện Biên, Hưng Yên, Hải Phòng… Nguy hiểm hơn, có những cặp vợ chồng, sau khi siêu âm phát hiện không phải là con trai đã nhẫn tâm bỏ thai. Hậu quả của tâm lý “trọng nam, khinh nữ” là đến năm 2030 sẽ có khoảng ba triệu thanh niên không thể lập gia đình do… thiếu phụ nữ. Lúc đó, có thể nhiều thanh niên Việt Nam sẽ phải chạy sang các nước láng giềng như Lào, Campuchia để lấy vợ như thanh niên Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… đã và đang sang Việt Nam “mua” vợ.
“Những thách thức về cơ cấu dân số và tình trạng tăng tỷ số giới tính khi sinh sẽ là những trọng tâm cần giải quyết trong năm 2009 và những năm tiếp theo”, ông Tân nhấn mạnh. Trong năm 2009, toàn ngành DS-KHHGĐ phải triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông và giáo dục thay đổi hành vi nhằm thúc đẩy cộng đồng, gia đình và cá nhân chủ động thực hiện công tác DS-KHHGĐ như chấp nhận và sử dụng các biện pháp tránh thai, thực hiện đẻ muộn, đẻ ít, đẻ thưa, không lựa chọn giới tính khi sinh.
Về phía ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu cải tiến nội dung giáo dục DS-KHHGĐ trong sách giáo khoa, tài liệu học tập. Sở GD-ĐT các tỉnh, thành mở rộng mô hình giáo dục DS-KHHGĐ thông qua hình thức sinh hoạt ngoại khóa, đặc biệt là ở các trường THPT.
Kim Anh
Bình luận (0)