Nghiện ma túy, dùng dao đâm nhiều người, trong đó có người tử vong đã làm bị cáo Nguyễn Tuấn Linh (SN 1992, ngụ xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) phải trả giá. Tương lai mịt mù hơn cho người mẹ, người vợ, đứa con thơ của Linh.
Nguyễn Tuấn Linh tại phiên tòa |
“Ngựa quen đường cũ”
Ba mẹ ly hôn, Nguyễn Tuấn Linh thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình. Ngày Linh bị đưa ra xét xử tại tòa, mẹ của Linh cũng như bao người mẹ của các bị cáo khác, bà đến tòa từ rất sớm. Khi xe tù hú còi chạy vào sân, bà tất tả chạy theo. Có lẽ, không có nỗi đau nào hơn thế khi chứng kiến cảnh đứa con mình mang nặng đẻ đau bị dẫn giải vào phòng xét xử…
Những bi kịch từ ma túy rất nhiều. Vụ án của Linh cũng là một trong số đó. Linh là một con nghiện ma túy, từng cai nhiều lần nhưng vẫn tái nghiện. Ngày 22-8-2013, Linh nghi ngờ anh Nguyễn Văn Tý và anh Huỳnh Quốc Tuấn (ngụ huyện Củ Chi) tố cáo mình sử dụng ma túy nên Linh nhờ bạn chở đến nhà anh Tý ở xã Phú Hòa Đông nói chuyện. Tại đây, Linh dùng dao xông vào đâm anh Tý nhưng được mọi người can ngăn.
Sau đó, Linh gặp anh Tuấn đang chơi đá cầu cùng nhóm bạn tại ấp Cây Trâm, xã Phú Hòa Đông. Linh lao vào đánh rồi cầm dao xếp đâm một nhát trúng bụng anh Tuấn, khiến nạn nhân bị thương tích với tỷ lệ 60%. Sau khi gây án, Linh tẩu thoát khỏi hiện trường. Giá như Linh dừng lại ở đó thì câu chuyện đã không đau lòng như ngày hôm nay. Tối 11-9-2013, Linh nhờ anh Phạm Văn An (ngụ xã Phú Hòa Đông) đi mua ma túy. Anh An từ chối khiến Linh tức giận, dùng dao đâm vào bụng khiến anh An trọng thương và tử vong vào ngày 23-9. Sau khi gây án, Linh vứt dao tại hiện trường rồi bỏ trốn, đến ngày 29-11-2013, Linh bị bắt.
Tại tòa, Linh cúi gằm, thu mình lại. Khi tòa hỏi, Linh mới ngẩng mặt lên trả lời. “Là bạn bè với An, sao bị cáo lại dùng dao đâm An chỉ vì một lý do là An không đi mua ma túy cho bị cáo? Xem nhau là bạn mà lại đối xử với bạn vậy sao?”, chủ tọa cất lời. Linh nhắm nghiền mắt một hồi lâu rồi nói: “Bị cáo ân hận lắm. Nếu có cơ hội được làm lại, bị cáo sẽ không bao giờ để xảy ra sự việc này…”. Lời ân hận của Linh không thể cứu vãn được bi kịch do chính Linh gây ra.
Năm 16 tuổi, Linh từng đâm người nhưng chỉ bị xử phạt hành chính. Sử dụng ma túy, thấy ngứa mắt, khó ưa là dễ dàng “xử” ngay. Có lẽ, Linh cứ nghĩ pháp luật sẽ du di với mình như những năm Linh chưa bước qua 18 tuổi. Theo thống kê, số người phạm tội ngày càng trẻ. Điều đó cho thấy sự tha hóa, xuống cấp về mặt đạo đức của một bộ phận không nhỏ thanh niên hiện nay. Linh là một trong số rất nhiều những thanh niên mất định hướng sống hướng thiện, vướng vào vòng lao lý.
Lời cảnh tỉnh
Những ngày Nguyễn Tuấn Linh bị bắt, mẹ của Linh chạy vạy khắp nơi để có số tiền bồi thường cho gia đình các bị hại mà Linh đã gây án. Đối với bà, đây là khoản tiền rất lớn. Bày tỏ thái độ đồng cảm cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình bị cáo nhưng chủ tọa phiên tòa vẫn rất nghiêm khắc: “Sao gia đình lại thiếu sự quan tâm, bị cáo vi phạm nhiều lần, có tính chất côn đồ, nghiện ngập nhưng gia đình vẫn không có biện pháp nào?”. Cả phiên tòa như lặng đi. “Gia đình tôi khổ lắm. Tôi ly hôn chồng, nuôi dạy con nhưng nói hoài nó không nghe”, mẹ bị cáo Linh lau vội nước mắt. Trầm ngâm một lúc, chủ tọa quay nhìn về phía mẹ của bị cáo nhẹ nhàng phân tích: “Trong chuyện này, chị cũng có một phần lỗi”.
Mức án dành cho Linh là lời cảnh tỉnh cho những người trẻ đừng bước chân vào con đường lầm lỗi. Câu chuyện không chỉ riêng ở một phiên tòa. Đâu đó giữa cuộc sống xô bồ, vội vã, nhiều phụ huynh đã quên đi vai trò của mình trong việc giáo dục con cái. Khi chỗ tựa cho trẻ bị lung lay bởi ba mẹ ly hôn, gia đình không hạnh phúc… sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. |
Giờ nghị án, mẹ Linh lại gần một phóng viên. Có lẽ, nỗi đau quá lớn nên bà đã không kiềm chế được và buông ra những lời “khó nghe”. Tâm lý của một người mẹ vì thương con, muốn bảo vệ con đã làm bà không thể giữ được bình tĩnh.
Hiện, Linh có một người vợ trẻ dù cả hai chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn, một đứa con thơ khát khao vòng tay của cha. Cáo trạng quy kết hành vi của bị cáo Linh phạm tội giết người nhưng qua tranh tụng, HĐXX nhận định chỉ có căn cứ xác định Linh phạm tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần”. CQĐT, VKS chưa chứng minh được bị cáo có ý thức chủ quan tước đoạt sinh mạng người khác. Án tuyên xong, 14 năm tù dành cho bị cáo Linh không biết có đủ làm Linh bình tâm trở lại để cải tạo tốt và sớm trở về đoàn tụ với gia đình.
Sau phiên tòa, người mẹ bước đi lầm lũi trong cái nắng trưa gay gắt. Gia đình người bị hại giữ thái độ hằn học bởi họ không đồng tình với mức án. Linh còn trẻ, cơ hội làm lại cuộc đời còn ở phía trước. Tuy nhiên, nỗi đau mà Linh gây ra cho người khác thì không thể bù đắp được. An – người bị Linh đâm chết đã khép lại cuộc đời mình khi tuổi còn rất trẻ. Tuấn với tỷ lệ thương tích 60% cũng sẽ vất vả trong chuỗi ngày phía trước.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)