Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

“Cái gốc là ở giáo dục gia đình”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đó là khẳng định của bà Mea Mưa – giám đốc Công ty Strata Mea Mưa, người hơn mười năm gắn bó với bóng đá VN – khi nói về nguyên nhân dẫn đến những điều tiếng không hay của một số cầu thủ thời gian qua.

Các em nhỏ chơi bóng tại Trung tâm bóng đá Vinamilk – Arsenal

Với kinh nghiệm là người tổ chức Trung tâm bóng đá Vinamilk – Arsenal ở sân Hoa Lư – sân chơi bóng đá cho trẻ em, bà Mea Mưa cho biết khi còn nhỏ các em chơi bóng rất vô tư. Vì vậy, những hình ảnh xấu xí trên sân cỏ hiện nay là do các cầu thủ chưa được giáo dục đến nơi đến chốn.

Bà Mưa lý giải: “Lâu nay khi nhắc đến giáo dục, chúng ta thường nghĩ ngay đến chuyện học văn hóa ở trường lớp. Điều đó chỉ đúng một phần bởi việc hình thành nhân cách còn do giáo dục từ môi trường gia đình. Với những em học tập trung tại các trung tâm dạy đá bóng thì môi trường đó chính là nơi họ đang theo học. Theo tôi, đó mới là cốt lõi vấn đề bởi không ít người có học vấn cao nhưng không thể xem là có văn hóa”.

Một lý do khác khiến cầu thủ VN hiện nay sống vô kỷ luật là do được nuông chiều quá mức. Do tình trạng khan hiếm cầu thủ nội nên chỉ cần tạo được một vài dấu ấn nho nhỏ là họ lập tức được phong “sao”. Và từ đây, bệnh ngôi sao của họ lập tức phát tác vì không đủ trình độ, nhận thức để đề kháng. CLB biết điều này nhưng không dám kỷ luật vì sự thiếu hụt lực lượng và cũng vì sợ mất cầu thủ về tay CLB khác. Những điều này khiến cầu thủ không có gì phải sợ khi phạm lỗi.

Vì thế, dù cầu thủ hiện nay kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn không được đánh giá cao như các nghề khác trong xã hội. Bà Mea Mưa khẳng định: “Các gia đình có nền tảng giáo dục tốt, khá giả hiếm khi cho con theo con đường cầu thủ chuyên nghiệp. Họ chỉ cho con chơi bóng đá để rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn đam mê là chính”.

Ông Huỳnh Thiện Nguyên – người từng là cầu thủ từ Trường Năng khiếu nghiệp vụ cùng lứa với nhiều danh thủ VN như Trần Minh Chiến, Lê Huỳnh Đức, Liêm Thanh…, hiện có con trai Huỳnh Thiện Mỹ đang học lớp U-8 tại Trung tâm bóng đá Vinamilk – Arsenal – tâm sự: “Tôi từng sống trong môi trường bóng đá nên quá hiểu sự phức tạp của nó. Vì vậy tôi cho con đi tập bóng đá là để chơi, rèn luyện sức khỏe và thỏa mãn sự yêu thích của cháu”.

Anh Khoan Minh Huy, phụ huynh em Huy Cường – một học viên của Trung tâm Vinamilk – Arsenal, cho biết: “Dù không có ý phê phán nhưng tôi nghĩ cầu thủ trong nước phần nhiều không có trình độ văn hóa cao. Vì vậy, tuy bóng đá là nghề hái ra tiền hiện nay (nếu có khả năng) nhưng vẫn bấp bênh và không có vị trí cao trong xã hội. Do đó tôi sẽ định hướng con mình theo con đường học vấn”.

Một cán bộ hải quan TP.HCM cũng có cậu con trai rất mê đá bóng. Thương con, ông đưa con đến học đá bóng tại Trung tâm thể thao Bình Thạnh. Nhưng khi được hỏi có muốn con trở thành cầu thủ hay không, ông lắc đầu mà không cần suy nghĩ: “Điều đó thậm chí chưa bao giờ xuất hiện trong ý nghĩ, bởi với tôi bóng đá chỉ là một trò chơi”.

T.PHÚC (theo tuoitre)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)