Trong các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập hay tốt nghiệp THPT, môn văn có một vị trí đặc biệt. Không chỉ vì môn văn là môn thi bắt buộc, là môn tự luận duy nhất (với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay), mà còn là môn thi gắn với khâu chấm thi vất vả để có kết quả cuối cùng.
Giám thị kiểm tra thông tin thí sinh trước khi vào phòng thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Thành Nam
Công việc không chấp nhận cho sự cẩu thả
Nhiều giám khảo nói vui với nhau về công việc chấm thi là “cơm áo không đùa với… chấm thi” (mượn ý của thi sĩ Xuân Diệu trong một bài thơ “Cơm áo không đùa với khách thơ”) để nói công việc đòi hỏi sự nghiêm túc tuyệt đối của chấm thi. Cũng có thầy cô mượn câu văn đầy triết luận của Nam Cao trong truyện ngắn “Đời thừa” để nói việc không chấp nhận cho sự cẩu thả này, vì “sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương. Nhưng cẩu thả trong chấm thi (nguyên văn truyện Nam Cao là văn chương) không những bất lương mà còn đê tiện nữa”.
Chấm thi rất khó và khổ, vì mất nhiều thời gian. Bài làm của thí sinh chỉ 120 phút, nhưng mỗi giám khảo phải mất khoảng gần một tuần lễ để chấm bài cho tất cả thí sinh của kỳ thi. Đi sớm, về trễ, buổi trưa không về nhà kịp. Đến điểm chấm thi trễ sẽ bị đóng cửa, bị gửi danh sách vắng về trường, rồi bị khiển trách, trừ điểm thi đua…
Nhưng đó chưa phải là điều chính đáng bàn. Mà cái quan trọng nhất ở đây là sự “cầm cân, nảy mực” của giám khảo chấm để đem đến công bằng cho thí sinh. Với môn văn, nếu khâu ra đề thi đã khó, khâu làm đáp án chấm khó hơn, thì việc chấm thi được xem là khó nhất. Vì nó là sự tổng hợp của các khâu trước kết hợp với thực tế bài làm của thí sinh để đưa ra kết luận cuối cùng. Mà “văn chương tự cổ vô bằng cứ”, nên việc tìm ra “tiếng nói chung” để cho điểm thống nhất giữa các giám khảo khi chấm là rất quan trọng.
Năm nào cũng vậy, mặc dù công việc chấm thi được quán triệt chặt chẽ từ khâu tổ chức; diễn ra đúng quy cách, nghiêm ngặt khi thực hiện; song vẫn còn nhiều điểm bất cập. Những lo lắng về sự lệch điểm giữa các thí sinh khi đề thi và đáp án quá mở; băn khoăn về thiếu sự đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương khi hội đồng chấm giao về cho các sở GD-ĐT vẫn đang còn bỏ ngỏ ở đó. Nhiều giám khảo than thở rằng việc chấm thi dù đã tốt hơn nhiều, song hãy còn cập rập, còn tái diễn cảnh “chạy nước rút” cho xong tiến độ công việc; rằng giám khảo này, giám khảo kia chấm quá nhanh, quá chậm, chưa đều tay; rằng các giám khảo chấm hãy còn “dĩ hòa vi quý” mà thiếu sự tranh luận phản biện với nhau để tìm ra tiếng nói chung…
Nội quy chấm nghiêm ngặt, căng thẳng, trách nhiệm nặng nề, mà thù lao nhiều địa phương chưa thật tương xứng. Chính vì những khó khăn trên mà nhiều giáo viên (nhất là thầy cô có tuổi) “né” việc chấm thi, sự hăng hái của giáo viên giảm sút. Nhiều giáo viên phải đi làm nhiệm vụ vì không thể chối từ. Nhiều giáo viên đã thật sự… mất lửa khi được điều động đi chấm thi.
Ai yêu thi cử… thì làm được thôi!
Tuy khó khăn là vậy nhưng bằng tình thương, trách nhiệm, lòng yêu nghề nhà giáo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Quan sát và so sánh việc chấm thi những năm gần đây so với các năm trước kia, chúng tôi thấy việc chấm thi, trong đó có môn văn, đã khởi sắc hơn rất nhiều. Từ việc tổ chức đến quy trình chấm, công đoạn làm phách, họp thống nhất đáp án, sinh hoạt quy chế chấm, các vòng chấm, chấm thanh tra…, tất cả đều rất nghiêm ngặt, bài bản. Các phiếu chấm cũng được thiết kế rất rõ ràng, sát với đáp án, giúp giám khảo dễ dàng cho điểm, thống nhất điểm hai vòng chấm.
Sau khi các địa phương tổ chức chấm thi tốt nghiệp THPT xong, theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, 8 giờ ngày 17-7 thí sinh sẽ biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Tiếp đó, các trường THPT sẽ tổ chức xét công nhận tốt nghiệp, chậm nhất vào ngày 19-7 và gửi giấy chứng nhận kết quả thi này thời hạn cuối vào ngày 23-7. Như vậy, thí sinh sẽ nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời trước ngày 23-7. |
Vài năm trở lại đây, việc chấm thi của giám khảo không còn bị áp lực nhiều về tiến độ thời gian. Đặc biệt tại TP.HCM, mấy năm qua giám khảo không còn được tính theo số lượng bài thi (chấm nhiều bài được nhiều tiền), mà tính theo ngày công. Điều này giúp cho việc chấm thi nhịp nhàng, ít lệch điểm hơn, không còn cảnh giám khảo chấm thi để… “chạy gạo”. Và nhiều giám khảo được mệnh danh là… “thánh chấm” như trước kia nữa.
Tâm thế người chấm thi hiện nay cũng thoải mái hơn. Ít áp lực hơn. Lãnh đạo các hội đồng chấm cũng rất “tâm lý”, chia sẻ vất vả, khó khăn với giám khảo. Tôi nhớ trong nội quy chấm thi tại TP.HCM có điều khoản rất đáng suy ngẫm: “Giám khảo không được bực dọc với những bài làm không tốt”! Điều này quá đúng. Một khi trạng thái tâm lý của giám khảo không ổn thì mọi bất trắc, bất công sẽ đổ lên bài làm của thí sinh là lẽ đương nhiên.
Chấm thi là một câu chuyện dài. Khoa cử của xã hội phong kiến xưa còn để lại những câu chuyện đau lòng. Thời gian qua cũng có nhiều cán bộ ngành giáo dục phải hầu tòa vì liên lụy từ tiêu cực khi chấm thi, điểm số. Làm đúng, làm tốt là bổn phận, là trách nhiệm, không được khen thưởng. Làm sai, tiêu cực, dù vô tình hay hữu ý, bị kỷ luật là thích đáng, thường tình.
Quan trọng nhất của công việc chấm thi vẫn là trách nhiệm và tình yêu nghề dạy học, yêu sự công bằng. Xin mượn tứ bài thơ “Làm anh” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn để khép lại bài viết về công việc chấm thi. Nói chung, dù khó khăn thế nào, song với tình yêu nghề dạy học, yêu việc học hành thi cử thì nhà giáo luôn đem đến công bằng cho thí sinh trong việc chấm thi: “Chấm thi khó lắm/ Phải đâu chuyện đùa/ Vật lộn chữ nghĩa/ phải người lớn cơ. Chấm thi thật khó/ Nhưng mà thật vui/ Ai yêu thi cử/ Thì làm được thôi!”.
Hậu Nguyên
Bình luận (0)