Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

“Cải lão hoàn đồng” cho laptop

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sau một thời gian sử dụng, chiếc laptop tự dưng trở nên ì ạch, gây cản trở công việc nói chung. Vậy làm cách nào để bạn khôi phục được sức mạnh ban đầu cho laptop?

Sau đây là các bước bạn cần thực hiện để “cải lão hoàn đồng” cho chiếc laptop chậm chạp của mình.

* Xóa bớt các chương trình không cần thiết: Máy chạy chậm nguyên nhân chủ yếu là do cài đặt quá nhiều chương trình.

Ngay cả thao tác tháo cài đặt phần mềm nhiều lần cũng khiến máy tính bị chậm đi, bởi những phần còn lại của chương trình này vẫn nằm trên máy.

Bạn hãy kiểm tra kỹ trong phần Control Panel – Add and Remove (Windows XP)/ Programs and Features (Windows Vista) để xóa bớt những chương trình không cần thiết.

Còn đối với những “mảnh vụn” của chương trình còn sót lại trên hệ thống, hãy sử dụng công cụ làm sạch PC có tên là Ccleaner (http://www.ccleaner.com).

* Giúp laptop chạy mát hơn: Mặc dù chiếc laptop có thể đem đi sử dụng ở nhiều nơi như ghế sofa hoặc trên giường nhưng bạn cần phải đảm bảo khả năng thông gió và làm mát của laptop luôn được đảm bảo, tránh trường hợp máy tính quá nóng, ảnh hưởng trực tiếp tới tuổi thọ của máy.

Chiếc máy tính nào cũng có hệ thống quạt làm mát ở bên trong, nhưng bạn cũng cần kiểm tra khe thông gió trên thân máy có bị cản trở không. Đôi khi, do không để ý mà khe tản nhiệt có thể bị bít lại khiến laptop trở nên quá nóng.

Chú ý, không nên để laptop quá lâu trên chất liệu chăn bông hoặc đệm vì hơi nóng không thể thoát nhanh chóng ra ngoài, khiến cho laptop trở nên quá nóng.

Nếu cần phải làm việc tại giường, bạn nên đặt laptop lên trên một chiếc khay nào đó để tránh tiếp xúc trực tiếp với đệm.

*Giúp pin chạy bền hơn: Khi sử dụng laptop ở nhà, người dùng thường có xu hướng cắm bộ sạc vào nguồn điện để pin laptop luôn trong trạng thái đầy. Thật ra, đây lại là cách dùng hoàn toàn sai lầm.

Việc liên tục để pin trong trạng thái sạc sẽ khiến pin nhanh chai hơn, tuổi thọ ngắn hơn. Chính vì vậy, bạn nên ngắt bộ sạc ra khỏi nguồn ngay sau khi laptop được sạc đầy pin; chỉ sau khi sử dụng hết pin rồi mới sạc trở lại. Nhờ đó mà pin sẽ chạy lâu hơn, tốt hơn và bạn sẽ tiết kiệm được nhiều hơn.

* Tăng tốc laptop: Hầu hết các loại laptop mới hiện nay khi tới tay người tiêu dùng đều được cài đặt sẵn hàng loạt phần mềm của nhà cung cấp, thậm chí có những phần mềm mà bạn không bao giờ sử dụng.

Nhiều phần mềm sẽ khiến laptop khởi động lâu hơn, nhưng chỉ cần sử dụng tiện ích đơn giản có tên Autoruns (http://www.sysinternals.com) là có thể giải quyết được mối lo này.

Với Autoruns, bạn toàn quyền quyết định cho phép những chương trình nào được khởi động cùng laptop. Càng ít chương trình khởi động, laptop càng chạy nhanh hơn.

Có những ứng dụng không cần thiết như Microsoft Office hay phần mềm tạo DVD không cần khởi động cùng với laptop. Tuy nhiên, khi sử dụng Autoruns, tốt nhất đừng đụng chạm tới các file hệ thống của Windows nếu không muốn máy tính bị trục trặc tức thời.

* Vệ sinh laptop: Trước hết, bạn cần tắt máy tính, rút giắc cắm khỏi ổ điện, rồi tháo pin, dùng vải mềm làm sạch các bộ phận bên ngoài và bên trong.

Riêng phần phía trong máy, bạn cần chú ý là chỉ lau bụi ở phần lắp pin, còn những phần khác tốt nhất là không nên đụng tới vì nó có thể chạm vào bản mạch rất dễ làm laptop bị trục trặc.

* Nâng cấp bộ nhớ: Cũng giống như PC, laptop sẽ chạy nhanh đáng kể nếu bạn nâng cấp RAM lên mức cao hơn. Hãy tham khảo sách hướng dẫn sử dụng để biết laptop của bạn có thể nâng cấp lên bao nhiêu RAM.

Nếu không có tài liệu tham khảo này, bạn có thể sử dụng một công cụ rất hữu ích có tên là Crucial MemoryAdvisor (http://www.crucial.com) để đánh giá khả năng nâng cấp RAM của laptop.

Thông thường, bộ nhớ của laptop hiện nay là 1GB, nhưng nếu có điều kiện, bạn nên nâng cấp lên 2GB, hoặc 4GB nếu bạn có nhu cầu chơi game hoặc xử lý các công việc liên quan tới đồ họa.

Gia Nguyễn (Theo TPO)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)