Trong khuôn khổ Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V, vở cải lương "Vương quyền – Vụ án Tống Thị Quyên" qua sự kết hợp nghệ sĩ hai miền Nam – Bắc đã để lại nhiều ấn tượng đối với đông đảo khán giả
"Đem chuông" ra đất Bắc
Tại liên hoan này, 4 đơn vị sân khấu xã hội hóa ở TP HCM đã tạo dấu ấn nghệ thuật đậm nét đối với khán giả thủ đô.
Trong đó, Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt đã chọn giới thiệu tác phẩm chính sử "Đêm trước ngày hoàng đạo" (kịch bản: Võ Tử Uyên, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) với sự tham gia của: NSƯT Thoại Mỹ, nghệ sĩ Võ Minh Lâm, nghệ sĩ Minh Trường, nghệ sĩ Phương Cẩm Ngọc… Vở diễn này đã tạo hiệu ứng tích cực, được khán giả thủ đô chào đón nồng nhiệt.
Sân khấu Sen Việt mang đến liên hoan vở kịch "Câu hát tìm nhau" (kịch bản: Thu Phương, đạo diễn: Thái Kim Tùng), nói về đời sống dân ca quan họ giữa lòng TP HCM. Tác giả Thu Phương luôn nặng lòng với những di sản văn hóa phi vật thể mà thế hệ trẻ cần phải chung tay giữ gìn.
Vở cải lương "Án tình" (đạo diễn: NSƯT Nguyên Đạt) của Hội Sân khấu TP HCM – được cảm tác từ vở kịch "Đêm giao thừa" (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM từng dựng lại, đổi tên thành "Cõi tình" của cố tác giả Huỳnh Phúc Điền) – tham dự liên hoan cũng để lại nhiều ấn tượng. Chỉ với 3 nhân vật: vị thẩm phán, người vợ họa sĩ và bà quét rác, "Án tình" kể về câu chuyện đầy những xung đột, vạch trần bản chất một số người trước quyền lợi, danh vọng. Vở này có sự tham gia của NSƯT Hoàng Tùng – gương mặt quen thuộc ở Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Đáng chú ý nhất là vở cải lương "Vương quyền – Vụ án Tống Thị Quyên" (kịch bản: Bích Ngân, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Nguyên Đạt), tác phẩm dự thi của Chi hội Nghệ thuật biểu diễn Thăng Long – Hội Sân khấu Hà Nội, cũng là sự kết hợp nghệ sĩ hai miền Nam – Bắc. Qua câu chuyện lịch sử là vụ án Tống Thị Quyên – Thái tử phi đầu tiên của triều Nguyễn, vở diễn đã thu hút khán giả bằng sự sáng tạo trong diễn xuất của NSND Thoại Miêu, nghệ sĩ Kim Tiểu Long, nghệ sĩ Bình Tinh…
Nhiều khán giả thủ đô đã bày tỏ sự ngưỡng mộ và mong muốn sàn diễn Hà Nội sẽ tiếp tục chào đón nghệ sĩ TP HCM mang nhiều vở mới ra đất Bắc.
Một cảnh trong vở “Đêm trước ngày hoàng đạo” của Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt. Ảnh: Thanh Hiệp
Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, Liên hoan Sân khấu thủ đô lần thứ V-2022 đã tạo được sức lan tỏa, thu hút đông đảo khán giả đến thưởng thức. Các vở diễn đã phản ánh sức sống sinh động, đầy nội lực của sân khấu cả nước.
Ngoài những tác phẩm nêu trên, một số vở diễn tại liên hoan đã đặc tả chân thực, hấp dẫn cuộc sống, cuộc đấu tranh của người Hà Nội xưa. Nhiều yếu tố mới trong sáng tạo âm nhạc, thiết kế sân khấu được ghi nhận, tạo được sự hài hòa, thiết thực hỗ trợ diễn xuất của diễn viên.
Tuy nhiên, liên hoan lần này vẫn thiếu vắng đề tài đương đại, nói về những câu chuyện hôm nay với bao vấn đề thời sự mà công chúng quan tâm, nguyên nhân là do thiếu kịch bản. Điều đó cho thấy nỗi lo lớn nhất của ban tổ chức vẫn là nguồn kịch bản hay, với tư duy mới, phản ánh được cuộc sống hôm nay một cách chân thực và sâu sắc.
NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V – cho biết 13 tác phẩm tham gia thuộc các loại hình nghệ thuật: chèo, cải lương, kịch nói, xiếc với nội dung đa dạng về lịch sử, dã sử, dân gian, hiện đại. Liên hoan đã thu hút hơn 700 nghệ sĩ cả nước hội tụ về thủ đô.
"Trước sự thay đổi đến chóng mặt của nhiều loại hình giải trí, cộng thêm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhiều mặt đời sống xã hội bị tác động trực tiếp nhưng với quyết tâm cao, các tác giả, đạo diễn, diễn viên… đã mang đến cho công chúng những tác phẩm sân khấu có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao" – NSND Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh.
NSND Giang Mạnh Hà, thành viên Hội đồng Giám khảo, cho rằng qua cuộc "rà soát nội lực" này, các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ cũng cần khắc phục những hạn chế, yếu kém, tồn tại; không ngừng trau dồi nghề nghiệp, phấn đấu thực hiện nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao để phục vụ người xem.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO
Bình luận (0)