Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Cái “phao” của người nghèo?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tấm vé” vào các thị trường “hạng sang” như Nhật Bản, Úc, Đông Âu dường như không dành cho người nghèo

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020”. Đây là chủ trương lớn, tác động sâu rộng đến đời sống, công ăn việc làm của người lao động  (NLĐ) nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả mà đề án này sẽ mang lại.

Để được sang Nhật Bản làm việc như những lao động này, thật khó đối với lao động nghèo

Người nghèo đã tìm được “phao”…
Đề án quy định cụ thể người thuộc diện nghèo ở 61 huyện nghèo được hỗ trợ 100% chi phí học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết về đi làm việc ở nước ngoài  (các đối tượng khác được hỗ trợ 50% chi phí). Ngoài ra, họ còn được vay vốn lãi suất ưu đãi để đi XKLĐ.
Cục Quản lý Lao động ngoài nước được Bộ LĐ-TB-XH giao triển khai đề án, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2009, xem đây là biện pháp hiệu quả để giúp NLĐ nghèo thay đổi cuộc sống. Các doanh nghiệp XKLĐ cũng chủ động đầu tư cho hoạt động dạy nghề, xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ chi phí, khuyến khích người nghèo đăng ký đi XKLĐ. Có thể nói, với việc triển khai đề án này, NLĐ ở 61 huyện nghèo đã tìm được một cái “phao” bởi chi phí XKLĐ luôn là gánh nặng đối với họ.
… Nhưng sẽ đi đâu?
Về quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho rằng NLĐ muốn đi thị trường nào thì chủ động lựa chọn, đăng ký thị trường đó và được hỗ trợ chi phí, vốn vay theo quy định. Thế nhưng, trên thực tế, vì nhiều nguyên nhân, không phải người nghèo nào  muốn đi thị trường nào cũng được!
Đơn cử như ở thị trường Nhật Bản, để được chấp nhận, NLĐ phải tốt nghiệp THPT, đã qua đào tạo nghề, cùng với khoản tiền ký quỹ (không bao gồm chi phí bắt buộc phải nộp) từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Những yêu cầu này sẽ khiến đa số NLĐ nghèo vốn có trình độ học vấn, tay nghề thấp không thể đáp ứng.  Ở Hàn Quốc, Đài Loan, các nước Đông Âu, Úc… các tiêu chuẩn tuyển chọn và chi phí môi giới cao cũng sẽ khiến những đối tượng trên bị loại ngay trước khi họ lựa chọn đăng ký. 
Đó là lý do vì sao trong số hơn 5.000 lao động của 61 huyện nghèo được đi XKLĐ từ 2006-2008, hầu hết chỉ được sang Malaysia, một vài nước Trung Đông để làm công việc lao động phổ thông với thu nhập thấp, không ổn định. Như vậy, gần như “tấm vé” đi các thị trường “hạng sang” không dành cho NLĐ nghèo.
Lường tính những hệ lụy
61 huyện nghèo được xác định ở 20 tỉnh trong cả nước, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, miền núi…  Tổng dân số của 61 huyện nghèo khoảng 2,4 triệu người với hơn một nửa trong độ tuổi lao động. 90% trong số này là người dân tộc thiểu số. Các số liệu thống kê cho biết chỉ có khoảng 9% tổng số dân ở 61 huyện nghèo có trình độ THPT và gần 10% lao động đã qua đào tạo; còn lại có trình độ học vấn thấp, không nghề.  Do  trình độ học vấn, hiểu biết còn hạn chế, lối sống nhiều khi còn xa lạ với cách sinh hoạt ở đô thị cũng như trong hoạt động sản xuất công nghiệp nên không dễ thích nghi khi ra nước ngoài làm việc.
Tình trạng lao động vi phạm pháp luật hoặc việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, rủi ro cao phải về nước trước hạn diễn ra thời gian qua một phần xuất phát từ XKLĐ phổ thông. Đó cũng là lý do mà theo TS Nguyễn Lê Minh, chuyên gia lao động, phải cân nhắc về tính thực tế của đề án này. Giám đốc một doanh nghiệp XKLĐ tại TPHCM xin giấu tên nói: “Thực sự đề án có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp XKLĐ trong hai trường hợp: Được hỗ trợ vốn vay ưu đãi khi tham gia đề án và được gỡ rối cho bài toán khó tuyển lao động sang Malaysia và Trung Đông”.

Theo đề án, từ nay đến năm 2020, Nhà nước sẽ đầu tư 4.715 tỉ đồng hỗ trợ NLĐ nghèo và các tổ chức, doanh nghiệp XKLĐ, các cơ sở dạy nghề cho lao động xuất khẩu. Giai đoạn từ 2009-2010, thí điểm đưa 10.000 lao động đi XKLĐ, giai đoạn từ 2016 – 2020 sẽ nâng lên hơn 70.000 lao động xuất khẩu,  góp phần giảm 19% số hộ nghèo ở 61 huyện này.

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY (nld)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)