Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cái siêu thuốc

Tạp Chí Giáo Dục

Khi trẻ làm gì có lỗi, người lớn đừng nóng vội chê trách hay đánh trẻ (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh 

Một chiều chủ nhật, Hoan đến nhà Tùng để học nhóm (cả hai đều là học sinh lớp 5). Tùng bị tật (không có cánh tay trái từ lúc sinh ra) lại mồ côi cha phải ở với bà ngoại từ 3 tuổi. Học xong bài vở, hai em rủ nhau ra khoảng sân nhỏ trước nhà đá bóng. Quả bóng từ chân Tùng chẳng may chui tọt vào trong nhà ông Năm (ở liền bên nhà Tùng) qua khung cửa sổ. Một tiếng “choang” khô gọn. Hoan liền nhảy bổ sang, xô đánh “rầm” cánh cửa nhà, lao đến nhặt quả bóng ở đúng chỗ giường ông Năm đang nằm dưỡng bệnh; rồi chạy ra chơi cùng bạn coi như không có chuyện gì xảy ra. Ông cụ giật mình gượng ngồi dậy hoảng hốt nhận ra siêu thuốc đang sắc đặt cạnh giường đã bị quả bóng rơi trúng đổ nhào vỡ làm ba bốn mảnh. Nước thuốc đổ ra lênh láng. Vừa lúc cô Nhâm (con gái ông Năm, làm nghề buôn bán nhỏ) đến thăm cha ốm. Chứng kiến “hiện trường” lại nghe cha kể cho nghe tất cả sự việc, cô Nhâm thấy lòng như bốc lửa. Cô lao ra khỏi cửa chạy đến sân nhà Tùng nói như thét: “Đứa nào vừa đá bóng sang nhà tao?”. Mặt Tùng tái mét. Em chưa kịp nói gì thì Hoan đã nhanh nhảu giơ tay lên tiếng: “Dạ, cháu ạ. Cháu xin lỗi!”. Lời Hoan chưa dứt cậu đã tới tấp nhận những cái tát như trời giáng vào hai má khiến em suýt ngã dúi. Lời sỉ vả rít lên qua kẽ răng nghe chói lói: “Này, lỗi này! Lỗi này! Đồ quỷ sứ! Quỷ sứ! Thằng khốn nạn nào dạy mày mà mày ngu thế, ngu thế!”.
“Thôi đủ rồi. Cô để tôi giải quyết”. “Dạ! Em chào thầy”, giọng Tùng hồn nhiên. Nhâm giật mình quay lại, mặt tái mét khi nhận ra Quảng – chồng mình – đã đến đứng đó từ lúc nào.
Theo bạn, trong hoàn cảnh đó Quảng sẽ suy nghĩ và hành xử thế nào để thể hiện mình vừa là người chồng đúng mực, người con hiếu thảo vừa là người thầy giáo sâu sắc, tâm lý khiến mọi người tâm phục khẩu phục.
Gợi ý cách giải quyết
Quảng sẽ bình tĩnh yêu cầu mọi người vào nhà rồi nhắc vợ dọn bàn rót nước mời hai em học trò. Trước khi bày tỏ thái độ với mọi người anh nhanh chóng bước đến giường hỏi thăm bệnh tình của cha. Quay lại bàn, anh vui vẻ vừa uống nước vừa chuyện trò thân mật. Theo tinh thần “Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”, Quảng sẽ dành ưu tiên cho Tùng và Hoan trình bày trước. Nghe xong anh hỏi Hoan: “Trong việc này em thấy mình có gì sai?”. “Dạ, thưa thầy em đã sai là không gõ cửa trước khi lao vào nhà ông để nhặt bóng. Em lại quên không không xin lỗi ông. Khi thấy siêu thuốc bị đổ vỡ lại không giúp ông khắc phục sự cố ạ!”, Hoan trả lời. “Còn Tùng, em thấy thế nào?”, Quảng hỏi tiếp. “Dạ, thưa thầy việc này chính em mới là người sai trước. Em đã vô tình đá quả bóng chui qua cửa sổ vào nhà ta. Khi cô Nhâm hỏi em không dám dũng cảm đứng ra nhận. Thương em, bạn Hoan đã nhận thay và bị cô Nhâm đánh. Hoan bị đòn oan, càng nghĩ em càng thấy mình có lỗi quá ạ!”, Tùng líu ríu trả lời.
Quay sang phía vợ, Quảng hỏi luôn: “Em thấy việc Tùng đá quả bóng vào nhà mình làm đổ siêu thuốc của cha như vậy là cố ý hay vô tình?”. “Đúng là vô tình, nhưng…”. Vợ chưa hết câu, Quảng hỏi tiếp: “Đã biết các em mải chơi vô tình gây hậu quả thế mà em nỡ hành xử với chúng như vậy sao? Nếu Hoan là con em, liệu em có dám nặng tay vậy không? Và bây giờ hẳn em càng thấy sự nóng vội của mình thật đáng trách khi biết Hoan không trực tiếp đá quả bóng vào nhà, mà vì quá thương bạn tật nguyền với tấm lòng cao thượng đã đứng ra nhận lỗi thay cho bạn để rồi phải hứng chịu những cái tát như trời giáng của em…”.    
Rõ ràng bằng sự dẫn dụ khéo léo nhẹ nhàng của một người thầy giàu tâm đức, giàu kinh nghiệm Quảng đã gỡ dần từng “nút thắt”; nhanh chóng biến “đại sự” thành “tiểu sự” rồi “vô sự”. Mọi chuyện đến đây coi như đã sáng rõ. Hẳn Nhâm sẽ nhận ra cách hành xử của mình như vậy là quá vội vàng, nóng nảy, không thể chấp nhận, nhất là khi cô lại là vợ một thầy giáo điềm tĩnh, tế nhị như Quảng. Cô sẽ xin lỗi Hoan vì cái bạt tai không đáng có mà em phải chịu. Hoan và Tùng sẽ dắt tay đến xin lỗi ông Năm. Mọi người chia tay trong vui vẻ, cảm thông. Và kỷ niệm này hẳn sẽ là bài học khó quên trong mỗi người.
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)