Chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng và có một phần quyết định của người giáo viên chủ nhiệm trong hành trình nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh.
Giống như các hoạt động khác trong trường học, công việc chủ nhiệm lớp đòi hỏi người giáo viên phải thật sự có cái tâm và luôn xem học sinh như những đứa con thân yêu của mình. Muốn đi tới cái đích cuối cùng của con đường giáo dục, chúng ta cần phải biết phối hợp chặt chẽ giữa: Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và phụ huynh học sinh để tạo nên thế chân kiềng của một “tam giác giáo dục”. Trong vai trò của mình, giáo viên chủ nhiệm biết bầu chọn đội ngũ cán bộ lớp có lực học khá – giỏi, hạnh kiểm tốt và có uy tín với các bạn. Khi được “chọn mặt”, cán bộ lớp sẽ đại diện tiếng nói từ giáo viên chủ nhiệm để ghi nhận và theo dõi tình hình học tập của mỗi thành viên trước khi báo cáo với giáo viên.
Lấy chất lượng học tập làm thước đo trọng tâm để đánh giá thi đua – đó là trách nhiệm của một giáo viên chủ nhiệm. Mỗi tuần, giáo viên chủ nhiệm nên kiểm tra ba bộ: Tập vở ghi chép, túi đựng bài kiểm tra và đồ dùng học tập của học sinh (gọi theo mã số bất kỳ) trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm và đưa vào xếp loại hạnh kiểm. Bên cạnh đó, phải luôn dành nhiều lời khen, động viên kịp thời nhằm khích lệ những học sinh có tiến bộ trong học tập, nhất là các em học yếu. Còn giáo viên bộ môn nên dành thêm thời gian kiểm tra đột xuất bài của các em vào đầu buổi học theo thời khóa biểu. Song song đó, thành lập “Đôi bạn cùng tiến” để giúp các em hỗ trợ nhau học tập.…
Muốn giáo dục học sinh trở thành con ngoan, trò giỏi thì bản thân mỗi thầy cô chủ nhiệm phải là tấm gương sáng để các em noi theo. Cụ thể là phải thường xuyên kiểm tra nề nếp, tác phong của học sinh để kịp thời uốn nắn những em hư hỏng. Tùy theo đặc điểm tâm sinh lý của học sinh mà đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp và linh động cho mỗi đối tượng. Kết hợp giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh thông qua “cầu nối” giờ chủ nhiệm – giờ chào cờ – hoạt động ngoài giờ…
Trong trách nhiệm của người thầy, chúng ta phải đối mặt với những khó khăn, vất vả trên con đường mà mình đã chọn. Tình thương yêu dành cho học trò là động lực, là chất men xúc tác giúp chúng ta cố gắng hoàn thiện từng ngày. Vừa có “tầm”, giáo viên chủ nhiệm phải vừa có “tâm” – thế cân bằng đó làm nên mọi thành công trong giáo dục…
Bùi Thị Đông (Phó hiệu trưởng Trường Colette, Q.3, TP.HCM)
Bình luận (0)