Năm 2007, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo VN vẫn ở trong vùng đỏ có tỉ lệ thấp còi cao và là một trong 20 nước có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao.Theo số liệu năm 2007 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện nay VN có trên 2,6 triệu trẻ em suy dinh dưỡng (SDD), thiếu chiều cao. Như vậy, cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ bị thấp còi.
Người Việt cần mau chóng vượt qua tình trạng yếu kém về thể lực, cải thiện chiều cao và giống nòi – đó chính là thông điệp của WHO và là mối quan tâm của toàn xã hội trong nhiều thập kỷ qua.
Mặc dù đã có cải thiện ít nhiều về thể trạng, chiều cao, tỉ lệ SDD trẻ em ở thể nhẹ cân đã giảm tương đối đều đặn khoảng 1,5-2%/năm, nhưng hiện nay, VN vẫn phải đối mặt với gánh nặng kép về DD khi tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao và tỉ lệ dân chúng có chiều cao ở mức thấp còn quá lớn. Ngoài ra còn có nguy cơ nữa là sự gia tăng của tỉ lệ trẻ mắc bệnh béo phì, do chế độ DD không hợp lý…
Báo động
Tại diễn đàn “Quyền uống sữa cho trẻ em VN” vừa tổ chức tại TPHCM, PGS-TS Lê Thị Hợp – phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia – cảnh báo: Suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ dưới 5 tuổi ở VN vẫn còn ở mức rất cao (năm 2007 là 33,9%) và tỉ lệ này đặc biệt cao ở những vùng nghèo (trên 41%).
Nguyên nhân chủ yếu là thiếu các chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn của trẻ nghèo nàn; đặc biệt khẩu phần sữa không đáp ứng được yêu cầu dinh dưỡng của trẻ. 7 tỉnh thuộc diện vùng nghèo của VN đang ở trong tình trạng báo động về tỉ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi là Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Bình, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông
WHO năm 2007 khuyến cáo, VN vẫn ở trong vùng đỏ có tỉ lệ thấp còi cao và là một trong 20 nước có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao. Một số liệu của ngành dinh dưỡng cho thấy năm 2007, chiều cao trung bình của trẻ em dưới 2 tuổi ở ta hơn 5cm so với 22 năm trước, nhưng vẫn thấp hơn 5cm so với chuẩn của WHO. Lứa tuổi càng lớn thì khoảng cách giữa chiều cao trung bình của trẻ em so với chuẩn càng xa. Chẳng hạn, 1985 trẻ 5 tuổi tuy đã cao hơn 6cm so với năm nhưng phải cố thêm 7cm nữa thì mới đạt mức 109,4cm mà WHO đặt ra.
Trong các năm gần đây, các khảo sát trên lứa tuổi học đường thực hiện tại TPHCM cho thấy, tỉ lệ SDD thấp lùn và thể gầy ở học sinh cấp 2 và 3 cao hơn học sinh cấp 1. Chiều cao của nam thanh niên VN 18 tuổi thấp hơn 8cm so với nam thanh niên Nhật Bản, các thiếu nữ 18 tuổi VN cũng thua 4cm về chiều cao so với các thiếu nữ Nhật Bản. So với thế giới, chiều cao của nam thanh niên VN 18 tuổi cũng rất kém.
Trung bình thế giới nam thanh niên 18 tuổi cao 1,768m và nữ cao 1,637m mà VN là 1,634m (nam) và 1,527m (nữ). Trong khi đó, nhiều nước Châu AÁ đã cải thiện rất tốt chiều cao của thế hệ trẻ: Nam thanh niên Thái Lan cao 1,693m, Hàn Quốc 1,74m. 31% nguyên thiếu chiều cao là vì thiếu chất dinh dưỡng, trong đó có phần thiếu sữa; còn lại do di truyền và ít rèn luyện.
Giáo dục thể chất
Để có một thể chất tốt, cần có chế độ dinh dưỡng và chế độ vận động (thể thao) hợp lý. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa – chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), đặc điểm dinh dưỡng tuổi học đường bao gồm: Tăng trưởng (chiều cao tăng nhanh 18% so với 11% của tuổi mẫu giáo), còi cọc, béo phì, thiếu vi chất DD, thói quen ăn uống (ăn một loại thực phẩm, không ăn sáng, háu/biếng ăn), không dung nạp thức ăn và dị ứng thức ăn.
Trẻ thường suy dinh dưỡng trong khoảng 6-12 tháng và từ 6-11 tuổi. Vào thời điểm 6-11 tuổi, trẻ SDD có các bệnh thiểu năng về giác quan như cận thị, thiếu vi chất dinh dưỡng, tác hại rất lâu dài.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng DD trong trường học chưa được chú trọng. Vấn đề sử dụng sữa như môt nguồn bổ sung DD hàng ngày cho lứa tuổi học đường còn chưa được quan tâm đúng mức. Tỉ lệ sữa sử dụng trên đầu người VN hiện nay thuộc loại thấp nhất khu vực và thế giới, chỉ đạt 6 lít/đầu người/năm, trong khi tại Thái Lan là 22 lít/đầu người/năm và Trung Quốc là 26 lít/đầu người/năm.
Môn học thể dục từ phổ thông lên đại học gần như chỉ bắt học sinh “hành xác” để luyện tập trở thành những vận động viên chứ không phải để năng cao thể chất. Mới đây nhất, một hội nghị về giáo dục thể chất trong nhà trường lên tiếng: Trên 75% số tiết dạy thể dục ở tiểu học do giáo viên đứng lớp chưa được đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm để dạy thể dục; gần 30% số tiết học thể dục ở các trường THCS do giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy.
Chất lượng bài học thể dục nhìn chung còn thấp, thiếu hứng thú, mật độ vận động thấp, nhiều trường chỉ đạt dưới 20% (trong khi yêu cầu cần đạt trên 50%).Bác sĩ Lê Thị Kim Quý – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM – cho rằng: “Việc cung cấp cho trẻ chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý là việc rất cần thiết, đòi hỏi phải có sự quan tâm giải quyết của toàn xã hội. Các nước trên thế giới và một số nước trong khu vực Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…) đã thực hiện các chương trình can thiệp DD học đường một cách có hệ thống trong nhiều năm qua và cải thiện tốt tình trạng DD của học sinh.
Thành công của các quốc gia này nhờ vào các chương trình dinh dưỡng quốc gia và DD học đường, cần được áp dụng tại VN. Nhiều nước đã ban hành các chính sách bảo đảm quyền uống sữa cho trẻ em, cung cấp sữa cho các trường học. Ngoài ra, cần tăng cường nhận thức của cộng đồng trong việc giáo dục cụ thể về DD, chế độ rèn luyện thể chất phù hợp”.
Minh Thi (theo laodong.com)
Bình luận (0)