Từ trận khai mạc Cúp TP.HCM giữa tuyển VN và Myanmar cho đến trận giao hữu giữa U.22 với cựu ngôi sao Brazil tuần qua, không ít người đã than phiền sự xuống cấp nghiêm trọng của mặt sân Thống Nhất.
4 lý do xuống cấp
Thật ra việc mặt sân Thống Nhất như thửa ruộng lầy lội không phải bây giờ mới có. Tại Tiger Cup 98 diễn ra ở TP.HCM, 2 đội Myanmar và Indonesia đã phải thi đấu dưới mặt sân bì bõm nước và lớp cỏ nhớp nhúa như bãi lầy. Nguyên nhân khi đó được LĐBĐ TP.HCM giải thích là do bộ phận quản lý sân đã đổ phân bùn lên mặt cỏ nên khi mưa xuống, đám phân này trở thành lực cản nước thoát và mặt sân trở thành vũng lầy. Sân sau đó bị hư hỏng nặng và năm 1999, Sở TDTT và LĐ đã hợp đồng với Công ty thể thao Thành Lâm tiến hành cải tạo làm lại mặt sân. Sau khi hoàn thành, bộ mặt sân Thống Nhất trở nên dễ chịu hơn và tuổi thọ kéo dài đến 7 năm nhờ bảo quản tốt. Đến Đại hội TDTT toàn quốc 2006, khi sân Thống Nhất được bàn giao về cho Sở thì mặt sân này lại xuống cấp và một lần nữa được làm lại. Những tưởng việc cải tạo, sửa chữa nâng cấp sẽ cho ra đời mặt sân lý tưởng, nhưng chưa được 2 năm khi mưa xuống sân lại trở thành vũng lầy!
Để xảy ra tình trạng này, theo chúng tôi có 4 nguyên nhân chính. Một là hệ thống thoát nước ngang không tốt. Trong quá trình làm lại sân, có thể chủ đầu tư, bộ phận thiết kế và thi công quá chú trọng vào hệ thống thoát ngầm nhưng không chú ý làm độ dốc đảm bảo cho mặt sân thoát nước ngang mà trong giới gọi là “mu rùa”. Bởi khi mưa xuống dữ dội, thoát ngang rất quan trọng so với thoát ngầm, sẽ giúp cho mặt sân mau thoát nước về các bên, trong khi hệ thống thoát ngầm thực tế chỉ chiếm 10%. Hai là cỏ sân Thống Nhất hơi già nên mau rụng xuống, nếu hút không sạch gặp thời tiết nắng gắt hoặc mưa dầm sẽ mau chuyển thành mùn rồi nhanh chóng trở thành lớp bùn bít các lỗ thoát nước khiến cho sân khi gặp mưa sẽ trở nên lầy. Ba là công tác bảo dưỡng sân không tốt, bộ phận cắt và lu cỏ cũng như bộ phận vệ sinh mặt sân đã không làm hết trách nhiệm, không hút sạch các lớp mùn, thiếu chăm sóc thường xuyên đến các lớp cỏ. Khi xảy ra việc cỏ bị tróc hoặc một số khu vực trên sân cỏ có lớp bùn dính đầy gây trơn trượt, thay vì phải kiên quyết nạo vét hoặc thay đất mới thì không loại trừ việc đổ cát trộn lẫn chất mùn vào quá dày làm cho mặt sân thêm hư hại. Bốn là gần đây sân Thống Nhất khi đã xảy ra việc mặt sân không tốt lẽ ra cần phải bảo dưỡng thì lại “nhắm mắt” đón quá nhiều các hoạt động tạo ra hiện tượng quá tải.
Chỉ riêng Cúp Bóng đá sinh viên VTC ngày nào cũng đá 2 trận suốt gần một tuần trước khi U.22 gặp Brazil thì thử hỏi làm sao đội bóng cựu ngôi sao và lớp trẻ của chúng ta dám thi thố hết khả năng trong điều kiện sân như bãi lầy được. Đá liên tục cày nát sân như vậy không xuống cấp mới là lạ.
Làm lại thế nào?
Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM Phạm Quang Bản tỏ ra bức xúc khi mặt sân Thống Nhất quá tệ, quay lên truyền hình trông rất nhớp nhúa làm mất mặt bóng đá TP.HCM, nên đã có chỉ đạo ngay sau Cúp sinh viên VTC, sân Thống Nhất sẽ đóng cửa để làm lại.
Trước hết, Sở đã yêu cầu Công ty Thành Lâm, bên thi công khẩn trương xem xét và tiến hành cải tạo lại toàn bộ mặt sân bằng việc định vị các thông số kỹ thuật và gấp rút khắc phục ngay những trở lực khiến cho sân thoát nước kém. Sau khi khảo sát lên chi tiết tổng thể, công việc sửa chữa mặt sân sẽ được tiến hành vào cuối tháng 11 và phải hoàn tất trước khi V-League 2009 khai mạc.
Tuy nhiên theo chúng tôi, điều cần làm ngoài yếu tố kỹ thuật vẫn chính là công tác bảo dưỡng. Vấn đề đặt ra là tại sao suốt 7 năm liền từ sau lần làm lại sân năm 1999 cho đến 2006, sân không xảy ra sự cố gì, mặt sân vẫn thoát nước tốt mà từ 2006 đến nay chỉ mới chưa đầy 2 năm, mặt sân lại quá tệ? Ở đây không loại trừ có vấn đề nội bộ “chơi” nhau, vì lúc trước LĐBĐ TP.HCM quản lý sân nhưng từ khi bàn giao về Sở, cũng có nghĩa một chủ nhiệm sân Thống Nhất mới được bổ nhiệm về nên ê-kíp cũ vốn có kinh nghiệm bảo quản sân có thể không phục hoặc bất mãn với cách làm mới, ảnh hưởng đến thu nhập “bên ngoài” của họ nên có biểu hiện xuê xoa, thậm chí ngầm cho thấy “không ăn được thì phá”. Thế nên Sở VH-TT-DL TP.HCM cần kiểm tra, rà soát lại các nguyên nhân bên trong này và nếu đúng nên kiên quyết lập lại trật tự.
Quang Tuyến (theo thanhnien)
Bình luận (0)