“Phải hoàn thành việc kiểm định các chung cư cũ trong năm 2016, đồng thời sẽ phân cấp, ủy quyền về cho các sở, ngành và địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện”. Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa tại buổi làm việc với các sở, ngành, quận, huyện bàn về cơ chế đặc thù trong cải tạo, đầu tư xây dựng mới các chung cư cũ trên địa bàn mới đây.
Sau nhiều lần đổi chủ đầu tư, quy hoạch, hiện người dân sinh sống tại các chung cư xập xệ tại Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) vẫn “dài cổ” chờ xây mới |
“Cơ chế” – chuyện xưa nói mãi
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, TP hiện có 474 chung cư cũ, tập trung chủ yếu tại các quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Gò Vấp… Hai năm qua, TP đã tháo dỡ, di dời 70 chung cư cũ với hơn 7.200 hộ dân; đang xây mới hơn 60 lô chung cư cũ với quy mô hơn 9.800 căn hộ. Tuy nhiên, con số này là quá ít so với yêu cầu cấp bách hiện nay. Bởi đa số các chung cư tại TP có tuổi đời trên 50 năm, xuống cấp, chật hẹp, không đảm bảo an toàn cho người sinh sống…
Trăm ngàn lý do, nhưng tựu trung vẫn là cơ chế lạc hậu, không phù hợp thực tế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, công tác quản lý các khu chung cư cũ, chồng chéo giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng; việc người dân mua đi, bán lại nhiều lần, giấy tờ thiếu sót… nên họ rất sợ di dời…
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho biết: “Trong 5 năm tới nhu cầu nhà giá rẻ tại TP sẽ vô cùng lớn. Chưa nói đến nhu cầu nhà ở của người nhập cư, chỉ riêng chương trình giải tỏa 22.000 căn nhà trên kênh rạch, di dời, cải tạo 474 chung cư cũ… đã tạo ra thị trường rộng lớn cho các nhà đầu tư. Nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa “chủ động tiếp cận” mà đợi chờ TP có chính sách thông thoáng hơn về quy hoạch chi tiết, các tiêu chí về xây dựng như: tầng cao, mật độ xây dựng, mật độ dân số… Nếu xây dựng căn hộ mới, có diện tích lớn hơn diện tích cũ người dân có tiền bổ sung cho phần chênh lệch này phải bán lại suất tái định cư và đi nơi khác mua nhà ở tại các vùng ven sẽ sinh ra những khu ổ chuột mới. Vì vậy, phải xác định cơ chế giá cho phần diện tích dôi ra và TP cần có cơ chế hỗ trợ cho người dân”.
Năm 2020 hoàn thành di dời nhà trên kênh rạch tại Q.8 UBND TP vừa có văn bản chỉ đạo Tổ công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch tại Q.8 đến năm 2020 phải hoàn thành dự án bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng và tái định cư thuộc chương trình chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh rạch trên địa bàn. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND Q.8 cùng các sở, ngành liên quan hoàn chỉnh phương án cân đối quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội để trình UBND TP xem xét, quyết định. Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp với UBND Q.8 lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2.000, công bố quy hoạch tuyến kênh rạch thực hiện chỉnh trang đô thị; báo cáo, đề xuất trình UBND TP xem xét, quyết định. UBND TP cũng giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Tư pháp cùng các cơ quan liên quan khẩn trương báo cáo, đề xuất trình UBND TP xem xét, điều chỉnh Quyết định số 150/2004/QĐ-UB ngày 9-6-2004 của UBND TP về quản lý, sử dụng hành lang bờ sông, kênh rạch trên địa bàn TP. Lê Huy |
Ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định: “Lâu nay một trong những vấn đề được các địa phương quan tâm là công tác kiểm định chất lượng chung cư. Theo quy định tại NĐ 101/2015 về “cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”, Sở Xây dựng phải tổ chức lập, thẩm định, dự toán kinh phí sửa chữa và ban hành văn bản kết luận kiểm định. Sau đó, UBND TP thông báo kết quả kiểm định cho chủ sở hữu chung cư, phê duyệt dự toán kinh phí kiểm định và kinh phí sửa chữa. Nếu làm theo cách này sẽ rất chậm, sẽ khó đáp ứng được yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2016 như chủ trương của TP”.
Tạo đột phá trong xây dựng chung cư cũ
Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây mới chung cư cũ, ông Tuấn kiến nghị: “Việc cải tạo, xây mới các chung cư cũ ngoài hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp trong việc kêu gọi xã hội hóa, kiến nghị TP giao quận, huyện phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch tại các vị trí chung cư cũ theo hướng cho phép tăng quy mô dân số. Ngoài ra, TP cần có cơ chế không thực hiện bồi thường mà sử dụng phương thức tái định cư tại chỗ đối với các chung cư do Nhà nước thực hiện. Đồng thời UBND TP kiến nghị TW cho phép cơ quan chuyên môn của quận, huyện được ban hành văn bản kết luận kiểm định…”.
Về vấn đề này, ông Lê Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND Q.5 đề xuất: “Nếu TP giao UBND quận, huyện phê duyệt kết quả thẩm định thì Sở Xây dựng phải có hướng dẫn thật cụ thể phân cấp hay ủy quyền và phải tăng nhân sự giải quyết vì khối lượng công việc tăng thêm…”.
Đồng thuận với những đề xuất của Sở Xây dựng, ông Lê Văn Khoa nhấn mạnh: “Cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ là trăn trở của lãnh đạo TP. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo cơ chế, cách làm cũ không biết đến khi nào TP mới có thể cải tạo hết 474 chung cư cũ này. UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì với các sở ngành, quận huyện liên quan đánh giá, phân nhóm các chung cư cũ. Sau đó, tùy số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, địa phương sẽ phải có cách giải quyết linh hoạt để lựa chọn được những nhà đầu tư đủ năng lực, điều kiện thực hiện các dự án”…
Bài, ảnh: Quang Huy
Bình luận (0)