Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cái tát vào cái bằng!

Tạp Chí Giáo Dục

Có hai câu chuyện liên quan đến cái bằng, mà càng ngẫm lại càng buồn, càng thấy trái khoáy chỉ có ở ta.
1. Chủ nhật tuần rồi, hơn 750 giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học ở TP.HCM dắt díu nhau đi thi trong chương trình khảo sát năng lực dạy tiếng Anh. Còn đồng nghiệp của tôi, những giáo viên tiếng Anh bậc trung học, giờ đây bắt đầu hí hoáy điền đơn để khảo sát vào tháng 12 tới.
Theo dõi qua báo chí, được biết cuộc khảo sát năng lực giáo viên tại TP.HCM hôm chủ nhật vừa qua được tổ chức tại Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (Q.1, TP.HCM). Các giáo viên phải trải qua bài thi kiểm tra năng lực ngôn ngữ của Anh văn Hội Việt Mỹ. Đây là bài thi xếp lớp tiếng Anh của Nhà xuất bản Oxford, đơn vị đối tác với Anh văn Hội Việt Mỹ về chuyên môn. Bài thi bao gồm các kỹ năng nghe, đọc, viết và các kiến thức ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm. Kết quả bài thi được phiên theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu.
Ôi chao, nghĩ mà buồn. Giáo viên đâu phải ở trên trời rớt xuống hay từ đất nứt chui lên. Ai cũng học từ các trường sư phạm mà ra. Tất cả đều có bằng cấp do Bộ Giáo dục – đào tạo cấp hẳn hòi. Vậy mà giờ đây đều phải đi khảo sát lại và phải cậy đến một trung tâm ngoại ngữ. Chúng tôi nói với nhau rằng chuyện này đúng là cái tát vào những tấm bằng mà giáo viên đã phải cày bừa bốn năm ròng rã mới có được.
Nói về lý thì buồn lắm. Nhưng ngẫm nghĩ lại thì cũng đáng. Ai đời đi dạy tiếng Anh mà quá nhiều người sợ gặp người nước ngoài như sợ cọp. Bởi viết, đọc còn được, chứ nói thì cứ gọi là bà con với hến! Giáo viên thế, chả trách sao học trò dùi mài gần chục năm ròng cũng ngọng nghịu khi đối diện với người nước ngoài.
Thay đổi là điều bắt buộc phải làm. Chỉ sợ thay đổi không đến nơi đến chốn, khiến tiền thì mất nhưng “tật” vẫn còn. Cụ thể là chuyện nâng cao năng lực cho giáo viên chỉ là chuyện phần ngọn; còn gốc là chương trình dạy, cách thi cử vẫn chỉ chăm chăm vào viết thì cũng chẳng giải quyết chuyện gì.
2. Một chuyện khác cũng liên quan đến cái bằng mà cả tuần nay báo nào cũng nói, đi đâu cũng nghe bàn. Đó là chuyện Nam Định “tẩy chay” bằng cấp ngoài công lập. Giở lý với luật ra mà bàn thì tỉnh này sai đứt đuôi rồi. Bởi chính quy hay tại chức, công lập hay tư thục thì tất tần tật đều được Bộ Giáo dục – đào tạo công nhận, nên chẳng có lý gì để phân biệt đối xử.

Nhưng thực tế ai cũng phải thừa nhận đầu vào của tư thục kém hẳn công lập. Mùa thi tuyển sinh vừa rồi, chẳng phải cả xã hội đều cười về chuyện làm bài thi được 12 điểm mà là thủ khoa trường đại học tư đó sao! Đầu vào kém nhưng đầu ra vẫn cứ thênh thang, miễn đóng đủ tiền, học đủ buổi và không bỏ thi là thành cử nhân. Bạn bè tôi nhiều người chạy sô dạy cho các trường đại học tư, bảo rằng ở trường công đã gọi là phiên phiến thì trường tư còn dễ hơn chục lần! Có người vì lương tâm nên dạy và chấm bài ngang ngay sổ thẳng khiến sinh viên rớt oành oạch. Và kết quả là sang năm trường không mời dạy nữa. Đơn giản vì làm khó như thế thì một đồn mười, mười đồn trăm, làm sao sinh viên dám chui đầu vào?

Cử nhân như thế nên người ta hãi cũng đúng. Xin nói thật với nhau một điều, Nam Định bị chê trách vì dám công khai từ chối, chứ phần lớn các nơi khác người ta không nói mà âm thầm loại các ông cử bà cử tư thục. Chính vì thế cũng không ít người chia sẻ đồng cảm với Nam Định. Đó là cái tát thứ hai vào bằng cấp.
Chuyện giáo dục nước nhà, thật nói hoài chẳng hết chuyện…
Theo GIÁNG HƯƠNG
(TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)