Bạn nên chăm chút làn da mặt khô với các loại tinh dầu theo sự chỉ dẫn của BS. Ảnh: T.L |
Mùa đông, khí hậu hanh khô khiến da mặt thường bị khô, môi bị nứt nẻ. Khi có các triệu chứng này, bạn phải tìm hiểu nguyên nhân để có cách cải thiện.
Nguyên nhân của các triệu chứng về da
Làn da khô sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu, mặc cảm, tự ti mỗi khi xuất hiện trước đám đông. Theo BS. Nguyễn Văn Tiến – Bệnh viện 175 – TP.HCM thì có 4 loại da mặt chính mà bạn thường gặp đó là: Da thường, da khô, da nhờn và da nhạy cảm. Mỗi loại da có một lợi thế và khó khăn riêng. Những bạn có làn da khô thường nổi sần và dễ bong tróc, ngứa ngáy đặc biệt là trong thời tiết hanh khô hiện nay. Nguyên nhân của da mặt khô thường là do thiếu độ ẩm của thời tiết, khí hậu, thay đổi môi trường, gió mùa; lão hóa da; ảnh hưởng của thuốc và bệnh tật; mất cân bằng nội tiết; thiếu vitamin, nước và khoáng chất. Ngoài ra còn do chế độ ăn uống không phù hợp, yếu tố di truyền, sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng, tiếp xúc với ánh nắng thường xuyên… Khi lớp biểu bì ngoài cùng của da mặt bị thiếu nước, da sẽ bị khô, có khi nứt nẻ và trở thành viêm da mạn tính. Còn khô nứt môi thường xảy ra khi cơ thể bạn bị mất nước, uống kháng sinh, hoặc mệt mỏi. Khi bị triệu chứng này, biểu hiện là môi bị khô nứt, lở, hoặc sưng đỏ lên, đau rát, khó chịu. Môi không có tuyến mồ hôi và rất ít tuyến dầu nên lớp bảo vệ bên ngoài làn môi rất mỏng, dễ bị khô nẻ, gây đau đớn. Hiện tượng môi bị khô, nứt nẻ thường là biểu hiện đầu tiên của tình trạng thiếu nước, có thể xuất phát từ những nguyên nhân như không khí khô, hanh, thở bằng miệng, thói quen liếm môi, nhiệt độ, ánh nắng mặt trời. Một nguyên nhân khác khiến môi bị khô là do cơ thể thiếu hụt vitamin B2 (riboflavin). Bên cạnh đó, thủ phạm gây khô nứt môi còn là do stress, suy nhược cơ thể, sử dụng son môi không phù hợp, dị ứng thực phẩm, một số loại thuốc trị bệnh cũng có tác dụng phụ gây khô môi.
Phòng tránh và cách cải thiện
BS. Nguyễn Văn Tiến cho biết: “Để cải thiện tình trạng khô da mặt, bạn không nên sử dụng các loại mỹ phẩm, kem bôi da theo những lời quảng cáo “có cánh” mà thay vào đó hãy bắt đầu chăm chút làn da khô với các loại tinh dầu như tinh dầu cọ, tinh dầu dừa. Các loại tinh dầu này được xem như một loại “khắc tinh” của làn da khô vì chúng có chứa hàm lượng vitamin nuôi dưỡng cho làn da là vitamin A, E, C, protein và khoáng chất cần thiết. Hầu hết các sản phẩm chăm sóc da đều chứa cồn, chất có xu hướng làm khô da. Vì vậy, trước khi mua bất kỳ sản phẩm chăm sóc da nào, hãy chú ý đến thành phần của nó. Cồn có thể có trong nước hoa hồng, kem dưỡng ẩm, sữa dưỡng thể, các loại kem dưỡng da… với nồng độ khác nhau. Tuy nhiên, cồn cetyl, stearyl, lanolin và cồn cetearyl là những loại cồn có lợi cho hầu hết các loại da. Uống đủ lượng nước cơ thể cần sẽ giúp làn da của bạn luôn căng mịn, vì thế, hãy uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày để giữ cho da khỏe, thêm vào đó khẩu phần ăn hàng ngày cần bổ sung thêm các loại hoa quả tươi và rau xanh, đồng thời hạn chế tiếp xúc với ánh nắng…”. Cũng theo BS. Tiến thì “Khi môi bị khô nứt, nhiều người có thói quen liếm môi. Điều đó là không tốt vì khi liếm môi thường xuyên sẽ dẫn đến hiện tượng nước bốc hơi và khi nước bốc hơi sẽ làm “bốc hơi” luôn các chất giữ ẩm trên môi khiến môi càng khô hơn. Ngoài ra, bạn còn cần phải ăn nhiều trái cây như cà chua, cà rốt, sử dụng kem dưỡng môi hàng ngày, thoa thuốc Vaselin lên môi cũng là cách đối phó rất hiệu quả”.
Phụng Diễm
Bình luận (0)