Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cải thiện chính sách đối với người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo giáo sư Hoàng Tụy, ngành giáo dục cần rà soát để loại bỏ hay giảm bớt những khoản chi tiêu không hiệu quả, trên cơ sở đó tăng lương, bảo đảm lương đủ sống và là thu nhập chính của mỗi giáo viên

Dưới góc nhìn của tôi, bản chiến lược này mới như là một kế hoạch dài hạn ghi lại tỉ mỉ từng mục tiêu, số lượng từng mục. Trong tình hình hiện nay, không ai làm kế hoạch như thế. Ta đang sống trong một thế giới biến động khôn lường, dự báo một vài năm đã là khó, nói chi đến dự báo 11 năm.

Vấn đề đáng lưu tâm: Chính sách lương

Bản chiến lược có tới 74 chỉ tiêu, sau này khi tiếp thu góp ý, giảm bớt đi 24 chỉ tiêu, nhưng vẫn còn quá nhiều. Tôi cảm giác là các chỉ tiêu này đều được xây dựng dựa trên phương pháp làm kế hoạch quá cổ lỗ. 50 chỉ tiêu, mỗi chỉ tiêu đều đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư, nhưng tổng đầu tư nguồn lực của ta có giới hạn, làm sao làm cho hết được. Theo tôi, chỉ cần tập trung vào một số mục tiêu quan trọng và phải tính đến sự tương quan giữa các mục tiêu chứ không phải là cứ làm rời ra như thế. Cách làm chiến lược thế này không khả thi. Không khả thi không phải vì không có đủ nhân tài, vật lực mà là cách làm không đúng.

Làm chiến lược cần phải đánh giá đúng thực trạng, những điểm mạnh, điểm yếu, chứ không được tự dối mình. Tôi thấy những người làm chiến lược này vẫn viết chiến lược theo tư duy cũ, nhận định thực trạng theo công thức: thành tựu là chính, tuy nhiên vẫn còn thiếu sót. Giáo dục hiện nay đang có mấy vấn đề đáng lưu tâm, ví dụ như chính sách lương.
Chính vì các thầy cô giáo được trả mức lương dưới mức sống hợp lý nên các thầy cô phải xoay xở bằng cách dạy thêm, từ đó dẫn đến nhiều căn bệnh về đạo đức nghề nghiệp. Thêm vào đó, việc học tập ngày nay dường như đang bị biến thành một thứ khổ dịch. Đáng lẽ trong nhà trường, việc học là chính, thi chỉ là việc trong quá trình học. Đằng này mình bao nhiêu năm nay coi việc thi là chính, mọi cố gắng của học sinh đều là thi cho đỗ, thầy luyện thi cho tốt. Khi mà thi là mục đích chính thì phương pháp giảng dạy rất khó thay đổi. Nếu còn phát triển như thế này thì căn bệnh thành tích khó mà lành được.

Bỏ biên chế làm sao giáo viên an tâm!

Cần có chính sách lương hợp lý để giáo viên toàn tâm với việc dạy học. Ảnh: H.LÂN

Chiến lược cũng đã đưa ra những chủ trương mới, như thí điểm trả lương giáo viên hay bỏ biên chế giáo viên. Tôi thấy ở những chủ trương này sự phiêu lưu. Ở nước ngoài, mỗi trường ĐH là một đơn vị tự chủ, hiệu trưởng được ký mọi quyết định về nhân sự, bổ nhiệm, lương, nhưng tất cả đều phải qua một quy trình nghiêm ngặt. Còn với mức lương cụ thể của từng người thì theo tôi hiểu, đó phải là những nhà bác học danh tiếng, lúc ấy sẽ có sự thương lượng riêng. Riêng với các trường phổ thông, tôi chưa nghe ai nói hiệu trưởng được quyền quyết định mức lương giáo viên. Ở mình, với cơ chế như hiện nay, việc hiệu trưởng quyết định mức lương cho giảng viên thật sự là điều khó thực hiện.

Về việc bỏ biên chế giáo viên, người làm chiến lược cho rằng để tạo ra sự cạnh tranh, nhưng tôi lại cho rằng sẽ khiến người ta không yên tâm làm việc. Tôi cũng thấy hiện nay ta chưa có điều kiện đầy đủ để thực hiện chủ trương này thật tốt. Một số nơi việc tuyển giáo viên còn chưa lành mạnh, nếu giao quyền cho hiệu trưởng cắt hợp đồng giáo viên thì tiêu cực có thể sẽ xảy ra.

Hai việc cần làm ngay

Đó là cần phải cải thiện cơ bản chính sách đối với người thầy để các nhà giáo toàn tâm toàn ý với trách nhiệm cao cả của mình. Thực tế, hiện nay, phần lớn giáo viên đã có mức sống không còn khó khăn như cách đây mấy năm, nhưng nghịch lý lương/thu nhập vẫn còn nguyên và nguồn thu nhập bù lương vẫn là nguyên nhân gây nhiều tiêu cực nhức nhối. Ngành giáo dục cần rà soát để loại bỏ hay giảm bớt những khoản chi tiêu không hiệu quả, trên cơ sở đó tăng lương, bảo đảm lương đủ sống và là thu nhập chính của mỗi người.

Việc thứ hai là đổi mới căn bản việc học và thi ở THPT, khắc phục giáo dục đồng loạt và xóa bỏ khổ dịch thi cử. Bộ GD-ĐT nên cải cách việc học và thi trên cơ sở tổ chức lại hệ thống giáo dục để sau THCS có hai nhánh rẽ: trung học nghề hoặc THPT. Học xong, nếu không học lên (ĐH, CĐ) được thì đều có thể đi ngay vào thị trường lao động tìm một việc làm. Theo hướng đó, nên cấu trúc lại chương trình và cách học ở THPT để tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho thế hệ trẻ. Nên xem lại cách học phân ban cứng nhắc như hiện nay để tổ chức lại việc học ở THPT như nhiều nước tiên tiến, mỗi môn học đều có một chương trình bình thường và một hay nhiều chương trình nâng cao giúp học sinh được lựa chọn vừa sức mình. Với cách học đó, học sinh sẽ không bị quá tải vì được học sâu những môn ưa thích và không phải học quá kỹ nhiều thứ mà sau này chẳng bao giờ cần đến.

Đồng thời với cách học, cách thi cử và đánh giá cũng phải thay đổi. Học xong môn nào, học phần nào phải kiểm tra nghiêm túc môn đó, đến cuối cấp không thi lại nữa mà chỉ cần làm tiểu luận hoặc một kỳ thi nhẹ nhàng với mục đích kiểm tra kiến thức phổ quát hay như một kỳ thi sơ tuyển vào ĐH, CĐ. Việc tuyển sinh ĐH, CĐ cũng cần trả lại cho các trường, mỗi trường sẽ tuyển sinh căn cứ vào kết quả sơ tuyển và học bạ hay qua kỳ thi tuyển nếu trường có yêu cầu đào tạo đặc biệt.

Yến Anh ghi( Theo NLDO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)