Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cải thiện dinh dưỡng – yếu tố quan trọng phòng, chống bệnh tật

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam hiện vẫn đang phải đối mặt với vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi và những thiếu hụt về vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, trong đó thiếu vitamin A, sắt, i-ốt là những vấn đề cần được đặt lên hàng đầu.

Cho trẻ uống vitamin A tại Trạm y tế phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Ảnh: Trung Kiên
Rất nhiều bệnh có nguyên nhân từ thiếu dinh dưỡng. Khi cơ thể thiếu vitamin A sẽ gây ra bệnh khô mắt dễ dẫn đến mù lòa, thiếu vitamin D gây bệnh còi xương, thiếu vitamin B1 gây bệnh tê phù. Thiếu các vi khoáng như i-ốt gây bệnh bướu cổ và rối loạn phát triển trí tuệ… Chính vì vậy, ngày Vi chất dinh dưỡng năm 2009 vừa được Bộ Y tế phát động chính là cơ hội để toàn dân tham gia vào công tác cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.
Bộ Y tế cho biết, ngày Vi chất dinh dưỡng năm nay có khoảng gần 4 triệu trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi và các bà mẹ vừa sinh con trong vòng một tháng được uống viên nang vitamin A liều cao miễn phí. Ngoài ra, nhiều hoạt động thực hành dinh dưỡng nhằm nâng cao kiến thức về nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ cũng được tổ chức trên cả nước. Các hoạt động này năm nào cũng được tuyên truyền và phát động từ rất sớm. Tuy nhiên, số liệu của Viện Dinh dưỡng cho thấy, vẫn có hơn 30% trẻ dưới 6 tháng tuổi bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng. Các nhà khoa học chứng minh rằng, bệnh khô mắt có thể dẫn đến mù lòa là bệnh xuất hiện khi bị thiếu vitamin A. Ước tính mỗi năm có khoảng 5.000 – 6.000 trẻ bị mù lòa do khô mắt; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị tổn thương giác mạc hoạt tính là 0,07% – nghĩa là cao hơn 7 lần so với ngưỡng mà Tổ chức Y tế thế giới quy định. Thiếu vitamin A tiền lâm sàng cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, tử vong và giảm sự tăng trưởng ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, tình trạng thiếu máu, thiếu sắt đang diễn ra phổ biến ở tất cả các vùng trong cả nước. Tỷ lệ thiếu máu cao ở cả phụ nữ không có thai (24,3%), phụ nữ có thai (32,3%) và trẻ em dưới 5 tuổi (34,1%). Hơn 1,5 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nhẹ cân; trên 2 triệu trẻ bị thấp lùn…
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn tới trẻ sơ sinh có cân nặng thấp trước tiên là tình trạng dinh dưỡng kém của người mẹ trước khi mang thai. Đó là những người mẹ có chiều cao dưới 145cm và đặc biệt là quá trình tăng cân của người mẹ trong thời gian mang thai chỉ dưới 7kg; những người mẹ có chế độ ăn không đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết. Tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng thấp ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn thường chiếm tới trên 15%. Đối với tình trạng thiếu vitamin A, nguyên nhân chủ yếu là do khẩu phần ăn thiếu hụt lượng vitamin A có trong thức ăn động vật, rau xanh, quả chín (chứa nhiều caroten)… Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều vùng, đặc biệt là nông thôn, miền núi. Tập quán cho trẻ ăn bổ sung chỉ có bột gạo, đường hoặc muối là một sai lầm về chế độ nuôi dưỡng, dẫn đến thiếu vitamin A và các vi chất khác. Nhiều trẻ bị mù dinh dưỡng do không được bú sữa mẹ. Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm trùng, đặc biệt là sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thiếu vitamin A ở trẻ nhỏ. Còn nguyên nhân của thiếu sắt là do giá trị sinh học của sắt trong khẩu phần ăn của người Việt Nam rất thấp (chỉ từ 5-10%).
Có thể khẳng định, tất cả những nguyên nhân gây ra các bệnh thiếu vitamin A, sắt, i-ốt, can-xi… đa phần là do khẩu phần dinh dưỡng không hợp lý. Sự không hợp lý này phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình nói riêng và từng vùng, từng quốc gia nói chung. Ngoài ra, vấn đề nhận thức của các bà mẹ nuôi con về vai trò cũng như tác dụng của các chất này trong việc nâng cao sức đề kháng cho cơ thể trẻ cũng còn hạn chế. Vì thế, để phòng, chống các bệnh trên, đặc biệt là phòng, chống thiếu vitamin A ở trẻ đạt hiệu quả, cần tuyên truyền cho nhân dân về nguyên nhân, hậu quả và cách phòng bệnh thông qua hướng dẫn nuôi con hợp lý, cải thiện bữa ăn gia đình. Trẻ sinh ra phải được bú sữa mẹ, vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất. Khẩu phần ăn của trẻ cần có đủ thức ăn động vật như trứng, cá, thịt và đủ dầu, mỡ để hỗ trợ hấp thụ vitamin A.  Đối với những trẻ đã phát hiện bị quáng gà,  khô mắt do thiếu vitamin A nên chú ý điều trị kịp thời.
Như vậy, vi chất dinh dưỡng có vai trò rất lớn trong việc bảo đảm sức khỏe con người. Đa dạng hóa bữa ăn và sử dụng những thức ăn giàu khoáng chất là cách phòng bệnh tốt nhất.
Hồng Loan (Theo Hà Nội mới)

 

Bình luận (0)