Một liệu pháp hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng cho những trường hợp bị tai biến mạch máu não, chấn thương não bằng hát karaoke do bệnh viện Chợ Rẫy sáng kiến vừa triển khai áp dụng với sự hỗ trợ kinh phí của Nhật Bản. Kết quả bước đầu đã giúp cho khá nhiều bệnh nhân trở lại với cuộc sống bình thường
Một buổi đi hát karaoke của các bệnh nhân bị liệt người do khoa vật lý trị liệu – phục hồi chức năng của bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức (ảnh do bệnh viện cung cấp) |
Phục hồi giọng nói, tay cầm đồ vật
Anh Nguyễn Văn Lâm (32 tuổi, ngụ ở Bình Tân) cho biết, anh bị liệt nửa người sau một tai nạn giao thông cách đây ba năm. Trong một lần đến điều trị phục hồi chức năng tại bệnh viện Chợ Rẫy, anh được các kỹ thuật viên “rủ rê” tham gia dự án JICA (dự án hỗ trợ kinh phí và kỹ năng điều trị, hướng bệnh nhân bị liệt về với cộng đồng của Nhật Bản). Mặc dù còn hoài nghi hiệu quả chữa liệt người mà dự án giới thiệu nhưng anh Lâm cũng gật đầu như một cách để làm vui lòng những người đang điều trị cho anh, “Không ngờ sau một thời gian tham gia, tôi thấy sức khoẻ mình tốt lên. Tôi đi lại vững vàng hơn trước. Nói năng cũng trôi chảy hơn, không còn ngọng nghịu. Hai tay bắt đầu cầm nắm được đồ vật. Tôi thấy cuộc sống lạc quan hơn rất nhiều”, anh Lâm xúc động kể. Một trường hợp khác của ông Nguyễn Văn Dũng (52 tuổi, giáo viên đang dạy tại một trung tâm ngoại ngữ ở quận 1), bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não. Sau hơn một năm tham gia các liệu pháp hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng tại Chợ Rẫy, trong đó có hát karaoke, ông Dũng đã hồi phục trở lại gần như hoàn toàn và hiện đã đi dạy học lại.
Kỹ thuật viên cao cấp Phạm Thị Ngọc Ái cho biết, tâm lý chung của những người bị bệnh liệt nửa người thường rất mặc cảm, nghĩ mình vô dụng. Chính vì vậy các sinh hoạt tập thể như hát karaoke, tham quan, mua sắm, du lịch dã ngoại… sẽ giúp họ phấn chấn hơn. “Nghe qua thì thấy dễ nhưng để làm được là cả vấn đề. Phải tìm được địa điểm nào có chỗ đi lại, nhà vệ sinh… phù hợp cho người tàn tật. Rồi còn phải theo dõi thường xuyên diễn tiến sức khoẻ. Hồi hộp quá, vui quá cũng không tốt”, kỹ thuật viên Ngọc Ái nói. Cũng theo kỹ thuật viên Ngọc Ái, ngày càng có nhiều bệnh nhân bị chấn thương não được cứu sống thì tỷ lệ người bị di chứng và tàn tật ngày càng nhiều. Nếu không được hồi phục, tay chân bị liệt lâu ngày sẽ không thể cử động, cầm nắm được vật dụng. Hát karaoke chính là giải pháp giúp bệnh nhân phục hồi “trọn gói” những hệ quả này.
Xoá mặc cảm, hoà nhập cộng đồng
Bác sĩ Bùi Thu Huệ, trưởng khoa vật lý trị liệu – phục hồi chức năng của bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, dự án JICA bệnh viện hợp tác với Nhật Bản, được triển khai trong thời gian ba năm (2006 – 2008), với 115 bệnh nhân tham gia. Kết quả đã giúp cho 13 trường hợp trở lại với đời sống bình thường, đi làm, đi học như cũ. Các trường hợp khác sức khoẻ cũng hồi phục rất nhiều, có thể tự vận động, chăm sóc bản thân. Hiện bệnh viện đang chuẩn bị “chiêu sinh” bệnh nhân cho giai đoạn hai, đồng thời mở các lớp hướng dẫn lại kỹ năng cho các bệnh viện tỉnh để áp dụng cho người bệnh tại địa phương. “Điều quan trọng nhất là họ đã xoá được mặc cảm tàn tật để có thể tự tin xuất hiện nơi công cộng mà không gặp bất cứ trở ngại tâm lý nào. Đó mới là ý nghĩa đích thực mà dự án mong muốn và cũng là khác biệt duy nhất giữa việc tập hát karaoke tại nhà và tham gia vào dự án”, bác sĩ Huệ nhấn mạnh.
Tuỳ vào tình trạng, sở thích của mỗi bệnh nhân, bệnh viện sẽ chọn ra những phương pháp điều trị phù hợp. Riêng với những người bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não hoặc chấn thương sọ não, hát karaoke là phương pháp điều trị được ghi nhận có nhiều tác dụng nhất và cũng được bệnh nhân chấp nhận nhiều nhất. Đây cũng là sáng kiến “độc quyền” của bệnh viện trong quá trình thực hiện dự án này với Nhật, “Thông qua di chuyển đến nơi hát, khả năng đi lại của người bệnh sẽ vững vàng hơn. Kỹ năng cầm micro giúp họ tăng thêm sức mạnh cho cơ bàn tay, khôi phục lại cánh tay bị liệt, đồng thời các ngón sẽ được điều khiển khi cầm nắm. Đây là bước đầu giúp bệnh nhân cầm được các vật nhẹ và tiến tới luyện kỹ năng tự cầm đũa ăn cơm”, bác sĩ Huệ phân tích. Ngoài ra, khi hát karaoke, bệnh nhân được luyện đọc chữ, “rượt” theo chữ trên màn hình, nhờ đó khắc phục dần tật nói ngọng. Những hình ảnh trên karaoke cũng giúp cải thiện trí nhớ, khơi lại kỷ niệm riêng tư đã bị lãng quên ở người bệnh. Với những người chưa nói được, khi nghe người khác hát, khả năng nói sẽ được đánh thức qua cảm nhận ca từ. “Thông qua những lần đi hát karaoke, bệnh nhân được trò chuyện với nhiều người cùng hoàn cảnh, họ sẽ cảm thấy yêu đời, yêu người hơn. Bớt đi mặc cảm tự ti”, bác sĩ Huệ nói.
Vĩnh Huy (SGTT)
Bình luận (0)