Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cải thiện mức thu nhập để thu hút chuyên gia giỏi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Chiều 10-10, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp Sở Nội vụ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của TPHCM thời gian qua và định hướng trong thời gian tới. 
Tại hội thảo, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, khi TPHCM xây dựng chương trình chính thức thu hút chuyên gia, người có tài năng đặc biệt trong giai đoạn 2019-2022, chế độ trợ cấp theo chính sách (trợ cấp ban đầu lên đến 100 triệu đồng, được hưởng thù lao khuyến khích nghiên cứu với tỷ lệ 1% giá trị/kinh phí ngân sách chi cho công trình, cùng với đó là chính sách hỗ trợ nhà ở tối đa 7 triệu đồng/tháng) có cao hơn so với mặt bằng chung của khu vực công lập, nhưng trên thực tế chỉ tương đương với một kỹ sư làm việc trong doanh nghiệp FDI.
Thậm chí, thấp hơn rất nhiều so với chuẩn mực của khu vực và thế giới. Đó là chưa kể thực lãnh theo bảng lương chung, các chuyên gia, nhà khoa học chỉ lãnh khoảng 15 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, thủ tục và quy trình xét duyệt, tuyển chọn chuyên gia nhà khoa học của TPHCM còn nặng về hành chính, trải qua nhiều giai đoạn, mất nhiều thời gian nên chưa thực sự thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học tham gia ứng tuyển. 
Một khó khăn khác là thiếu môi trường làm việc chuyên nghiệp, thiếu thông tin dữ liệu cũng như cơ sở vật chất để các chuyên gia, nhà khoa học có điều kiện phát huy khả năng của mình. Đó còn do môi trường làm việc ở nhiều nơi thiếu tính dân chủ, chưa thực sự công nhận và tôn vinh sự cống hiến của các chuyên gia, người có tài năng đặc biệt.
Trước những tồn tại, bất cập nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định về mức thu nhập, chính sách đãi ngộ với chuyên gia, nhà khoa học cao hơn so với quy định hiện hành, nhất là mức lương hàng tháng. Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học trên cơ chế mở, linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và nhu cầu thực tiễn của từng tổ chức. Cần quy định đa dạng các hình thức hợp tác, làm việc giữa chuyên gia, nhà khoa học với các đơn vị như làm việc toàn thời gian, bán thời gian, cộng tác hoặc làm việc từ xa. Cùng với đó, thay đổi quy trình tiếp cận và tuyển dụng nhân tài theo cơ chế thụ động như hiện nay sang cơ chế chủ động. Cụ thể, thay bằng chờ ứng viên đăng ký hồ sơ rồi xét tuyển, TPHCM cần tích cực tìm kiếm, tiếp cận, thuyết phục, trao cơ hội cho họ. 
Mặt khác, TPHCM cần xây dựng ngân hàng thông tin các chuyên gia, nhà khoa học. Qua đó sẽ cung cấp cho các đơn vị các thông tin về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức… của các chuyên gia, nhà khoa học để các cơ quan, lĩnh vực chủ động tìm hiểu và mời gọi chuyên gia theo nhu cầu của đơn vị mình. 
THU HƯỜNG (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)