Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cải thiện phúc lợi cho lao động nữ

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT phát biểu tại hội nghị

Sáng 8-12, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị giới thiệu, triển khai Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 1-10-2015 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là NĐ85) quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ. Nghị định này đã thể hiện rõ cam kết hoàn thành vai trò của Nhà nước đối với công ước của LHQ về quyền trẻ em (CRC), và công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW). Thông qua nghị định, lao động nữ được cải thiện điều kiện lao động, được hưởng các điều kiện chăm sóc sức khỏe. Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày để cho con bú, trữ sữa, thời gian nghỉ hưởng nguyên lương… Những đổi mới của nghị định đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền trẻ em được nuôi bằng sữa mẹ, là một quyền cần được Nhà nước bảo vệ và thực hiện theo như quy định tại điều 24 của công ước về quyền trẻ em.

NĐ85 cũng nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc tạo điều kiện để lao động nữ được hưởng đầy đủ các chế độ của mình. Một vấn đề cấp bách cũng được đặt ra tại hội nghị là việc giải quyết tình hình nhà trẻ, mẫu giáo ở khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động nữ. Giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển nhanh, nhất là các TP, thị xã, KCN giúp giảm bớt áp lực, tình trạng quá tải trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Do đó, công tác quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cần được tăng cường. Một số địa phương đã chủ động, sáng tạo trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng trường mầm non. 

Theo NĐ85, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của mạng lưới trường, lớp mầm non ở địa phương, đặc biệt là các KCN, KCX. Bà Nguyễn Thị Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết: “TP.HCM là địa phương đi đầu trong công tác rà soát, quy hoạch, xây dựng nhà ở cho công nhân và có những chương trình hỗ trợ thiết thực để phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt ở các KCX, KCN. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng làm được. Trong thời gian tới, tất cả các xã, phường cần phải có một trường mầm non công lập để đáp ứng phần nào nhu cầu của các gia đình trong việc gửi trẻ”. Nhiều đại biểu cũng đã trình bày những hạn chế của NĐ85. Trên cơ sở này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có sự chỉ đạo hợp lý để nghị định này đi vào đời sống.

Tại hội nghị, ông Friday Nwaigwe, Trưởng phòng Vì sự sống còn và phát triển trẻ em UNICEF nhấn mạnh: “Với những ý nghĩa thiết thực, nhân văn của NĐ85, UNICEF luôn cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện nghị định này, hỗ trợ cho việc thực hiện đầy đủ, giúp cải thiện phúc lợi cho người lao động nữ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, giải quyết nhu cầu trường lớp, đảm bảo quyền lợi cho nữ công nhân, người lao động tại các KCN đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc của các bộ, ban ngành Trung ương cũng như các cấp quản lý tại địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức cá nhân.

Bài, ảnh: Yên Hà

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)