Y tế - Văn hóaThư giãn

Cải thiện thói quen đọc sách nhờ vào công nghệ

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 19-4, tọa đàm "Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng" trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Ngày sách Việt Nam lần 8" tại Đường sách TP HCM đã thu hút nhiều bạn đọc tham dự.

Trước đó, tọa đàm "Văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số" (Cục Xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cùng tổ chức) đã gợi mở nhiều kỳ vọng trong việc cải thiện thói quen đọc sách nhờ vào công nghệ. Theo chủ trương của Đảng, nhà nước, việc chuyển đổi số đang được Cục Xuất bản xem là sứ mệnh trọng đại của ngành.

Thư viện Quốc gia cũng tổ chức khai mạc Ngày hội Sách 2021 với chủ đề "Sách – Sứ mệnh phát triển Văn hóa đọc", thu hút đông bạn đọc đến với các hoạt động như: triển lãm "Sách – Sứ mệnh phát triển văn hóa đọc", với khoảng 800 cuốn sách được trưng bày, giới thiệu. 

Đặc biệt, Hội sách Trực tuyến quốc gia lần thứ 2 được tổ chức từ ngày 17-4 đến 15-5 với chủ đề "Sách cho mọi nhà" đã mang lại luồng sinh khí mới cho "sàn giao dịch bản quyền sách" đầu tiên được vận hành với sự tham gia của 50 nhà xuất bản trong và ngoài nước. Các đơn vị tham gia sàn giao dịch với sách in và sách điện tử sẽ cung cấp trên 20.000 tựa sách với trên 30.000 bản sách phục vụ bạn đọc, trong đó tập trung vào những tác phẩm được thẩm định hay, có nội dung tốt, thu hút đông người đọc trong 3 năm trở lại đây.

Tọa đàm “Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng” trong chuỗi sự kiện “Ngày sách Việt Nam lần 8” tại Đường sách TP HCM. Ảnh: Kim Thắm

Tiến sĩ Lê Hồng Phước cho biết ngoài trải nghiệm mua sách, đọc sách, Hội Sách trực tuyến quốc gia lần này còn tổ chức khoảng 20 sự kiện giao lưu trực tuyến giữa bạn đọc với các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, chuyên gia lĩnh vực xuất bản, đại sứ văn hóa đọc… về tác giả, tác phẩm và phát triển văn hóa đọc. 

"So với năm ngoái, hội sách năm nay có nhiều cải tiến về giao diện, thật sự tạo thuận lợi cho bạn đọc trong việc tương tác và mua sách… Từ việc làm ý nghĩa này, hứa hẹn khi sách được vận hành đúng với kỹ thuật công nghệ sẽ thay đổi cách tiếp cận của giới trẻ hiện nay, nhân rộng văn hóa đọc trong đời sống xã hội" – tiến sĩ Lê Hồng Phước nói.

Đánh giá về hiệu quả tổ chức các hoạt động nhằm lan tỏa văn hóa đọc, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết: "Các sự kiện được tổ chức nhằm tạo sân chơi kết nối các nhà làm sách, cung cấp sách đến bạn đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng; đưa sách trợ giá đến bạn đọc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tạo điều kiện cho các đơn vị xuất bản ứng dụng công nghệ hiện đại thực hiện chuyển đổi số mở rộng thị trường… Trong giai đoạn 2015-2020 đã có 330 triệu bản sách được xuất bản, tăng 20%-25%. Nếu tính cả sách giáo khoa, mỗi năm người Việt Nam mua 4 cuốn sách. Điều đó cho thấy sức mua các ẩn phẩm của ngành xuất bản có tăng lên".

Các cuộc tọa đàm "Cuốn sách và tôi" và "Tủ sách hay dành cho con trong gia đình: Tại sao không?" sẽ lần lượt diễn ra tại Đường sách TP HCM trong 2 ngày 20 và 21-4.

Theo Hoàng Thuận/NLĐO

 

Bình luận (0)