Giã từ thuốc lá rất khó, với nhiều người là chuyện không tưởng. Đồng thời đa số người hút muốn bỏ. Bằng cách nào? Huy động nghị lực hay tìm kiếm sự trợ giúp?
+ Thưa tiến sĩ, ngày nay người ta bỏ thuốc lá bằng cách nào?
– Tiến sỹ Boguslaw Habrat (Viện trưởng Viện Tâm lý trị liệu và Thần kinh học Ba Lan): – Tôi phải đính chính khái niệm của anh. Chính xác, phải nói “cai thuốc”, không nói “bỏ thuốc”.
+ Vậy, có mấy cách cai thuốc lá?
– Nếu nói về dược học, có ba cách. Liệu pháp nicotin thay thế (NRT) là cách đầu tiên ngày càng được hoàn thiện trong thời gian gần đây. Đó là tân dược tẩm vào dạng kẹo cao su, băng dính, bình xịt mũi và xông mũi cai nghiện. Chúng có nhiệm vụ cung cấp cho người nghiện chỉ riêng nicotin, không có những thành phần khác vốn có trong khói thuốc lá. Ngoài ra những loại thuốc chữa trị đảm bảo nồng độ nicotin ổn định trong huyết tương, cũng như việc sử dụng ít bị nghiện hơn. Và dạng thuốc lá điện tử. Cho dù không nhà sản xuất nào đăng ký sản phẩm của họ vào hạng mục “Liệu pháp nicotin thay thế”, song tất cả đều phát huy tác dụng như tân dược cai nghiện đã đăng ký. Ngoài nicotin, chúng không cung cấp cho người cai oxit cácbon và các hợp chất khác vốn có trong khói thuốc lá.
+ Tôi nghe nói, tất cả đều chứa không ít nguyên tố độc hại?
– Chính xác Ngoài nicotin chúng chứa nhiều thành phần khác, thí dụ các hợp chất tạo mùi.
+ Còn thuốc cai nghiện?
– Đó là phương pháp thứ hai bên cạnh NRT. Hiện có hai hợp chất hoạt tính để sản phẩm hỗ trợ người cai nghiện dựa vào. Một là sản phẩm Bupropion đã nổi tiếng từ lâu. Nó được xếp cùng bảng thuốc chống trầm cảm. Các bác sĩ sử dụng nó trong điều trị bệnh nhân trầm cảm và nhận thấy một bộ phận trong số họ ngẫu nhiên bỏ thuốc lá. Thuốc tác động lên hệ noradren, tức phát huy tác dụng hạ thấp mức độ stress và căng thẳng liên quan đến cai nicotin và tác động lên cái gọi là hệ động lực gắn với những chất dẫn xuất thần kinh khác – dopamine.
+ Bupropion tốt hơn băng dính hoặc kẹo cao su cai nghiện?
– Có thể nói như vậy. Bupropion hiệu quả hơn, song còn tùy thuộc vào đối tượng cụ thể. Biệt dược cũng có những tác dụng phụ, mà NRT không có. Về nguyên tắc hai phương pháp được đánh giá xấp xỉ.
Wareniklina là sản phẩm tiếp theo. Lịch sử viên thuốc này khá thú vị. Nó có tác dụng dược lý tương tự sản phẩm một thời của Bulgari có tên Tabex. Tuy nhiên Tabex không được đánh giá tốt, chủ yếu vì lý do sử dụng không đúng cách.
+ Tác dụng của Tabex có giống Bupropion?
– Không giống. Cơ chế hoạt động của Tabex khác hoàn toàn. Tabex tác động vào chính các thụ cảm nicotin, cũng gây phản ứng tương tự, nhưng yếu hơn nhiều. Có thể hình dung giống như trường hợp những người nghiện heroin, bác sĩ điều trị cho họ uống Metadon – biệt dược thay thế vai trò của heroin. Những thuốc cai nghiện này giảm thiểu cảm giác đói bụng, thèm nicotin hoặc ma túy, song “yếu hơn”.
+ Mọi người nghiện thuốc là đều có thể cai nghiện bằng những sản phẩm đã kể?
– Không phải tất cả. Chính xác hơn: không thể sử dụng, khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Có những chống chỉ định rất khác nhau trong sử dụng hai loại thuốc. Khác với Bupropion; khác – với Tabex.
Bupropion không thích hợp với những người bị đe dọa nguy cơ co giật: nạn nhân bệnh động kinh, đối tượng đang sử dụng các hợp chất kích hoạt thần kinh (thí dụ thuốc an thần, thuốc ngủ), những người sau chấn thương và tai biến não hoặc bệnh nhận tiểu đường nặng. Nạn nhân hội chứng sợ ăn hoặc phàm ăn cũng không được sử dụng loại thuốc này.
+ Khá nhiều hạn chế…
– Đúng vậy. Vì thế, chỉ sau phỏng vấn nghiêm túc, bác sĩ mới có thể đưa ra quyết định cụ thể.
+ Ngày càng nhiều người cai nghiện bằng biệt dược chống trầm cảm. Liệu có thể kết hợp?
– Có thể, song cần tham khảo ý kiến bác sĩ tâm lý trị liệu, chuyên gia đủ kiến thức về những phản ứng tương tác có thể xảy ra. Chắc chắn không thể kết hợp thuốc cai nghiện Zyban (chứa Bupropion) với những biệt dược chống trầm cảm chứa Bupropion.
Các loại thuốc ngủ, thuốc an thần (Benzodiazepin) không được sử dụng kết hợp với Bupropion, song có thể sử dụng với NRT và Wareniklin. Thực tế cũng cho thấy: không sử dụng Bupropion với đối tượng từng lên cơn động kinh vì mẫn cảm với thuốc ngủ Benzodiazepin. Cũng cấm chỉ định loại thuốc này đối với lái xe chuyên nghiệp.
Warenikline cũng không phải là kẹo ngọt. Người ta đã quan sát được những dấu hiệu thần kinh và tâm thần (trầm cảm) có thể xuất hiện trong thời gian điều trị bằng loại thuốc cai nghiện này. Cho dù đến nay vẫn chưa xác định được mối quan hệ trực tiếp giữa Warenikline và những triệu chứng đó, song Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ vẫn cảnh báo người sử dụng phải lưu ý.
+ Có thể họ trầm cảm, vì cai nghiện?
– Đó là khả năng thứ hai. Ở một số người, chấm dứt hút thuốc dẫn đến tình trạng giống trầm cảm; trái lại – xuất hiện tình trạng tâm lý tồi tệ hơn ở người trầm cảm cai thuốc. Trầm cảm là một trong những trang thái chưa thể áp dụng giải pháp cai nghiện thuốc lá.
+ Thưa tiến sĩ, tại sao đã sử dụng băng dính cai nghiện (liệu pháp hormone thay thế), song sáng dậy bạn tôi vẫn hút thuốc?
– Thường người nghiện trung bình mỗi ngày đốt 20 điếu thuốc. Đó là liều đủ, để duy trì trạng thái không đói nicotin. Bạn anh chắc chắn sử dụng băng dính ban ngày. Ban đêm, khi ngủ cảm giác đói nicotin nhẹ hơn. Thỉnh thoảng thức giấc, đối tượng sẽ ngủ ngon hơn hoặc tệ hơn, song không có nhu cầu nicotin như ban ngày. Hệ dinh dưỡng của chúng ta phát huy vai trò hỗ trợ. Tuy nhiên bạn anh buộc phải “truy lĩnh” – một khi đã tỉnh giấc. Cơ thể trở nên có ý thức và đòi hỏi nicotin. Khi ấy đối tượng tìm đến thuốc lá.
+ Liệu có thể né tránh bằng cách nào?
– Với đối tượng như thế nên áp dụng thuốc cai nghiện xịt mũi hoặc thuốc cai nghiện dạng kẹo cao su.
+ Theo tiến sĩ, giải pháp nào tốt nhất dành cho người cai nghiện?
– Không có tiêu chuẩn vàng. Tất cả tùy thuộc vào nhu cầu và thói quen sinh hoạt của từng cá nhân.
+ Nghe nói có thể cai nghiện bằng liệu pháp tâm lý?
– Bởi vấn đề nằm cả ở trong đầu và trong thân thể. Đó là sự kết hợp các cơ chế sinh học – ví như các hệ dẫn xuất thần kinh trong não bộ chúng ta làm việc khác nhau. Ngoài ra có những người dễ bị nghiện hơn , bởi ở họ thí dụ hệ trao thưởng làm hoạt động khác. Và những nhân tố tâm lý học thường gắn với cảm giác thú vị, thư giãn. Khi hút điếu thuốc đối tượng có cảm giác cái gì đó tốt đẹp, xui khiến đối tượng nghĩ đến ly rượu vang, những câu bông đùa và bạn bè. Tất nhiên giới chuyên gia áp dụng những dạng tâm lý trị liệu khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu đối tượng cụ thể. Nhiều nhất là liệu pháp nhận biết – hành vi.
+ Còn những phương pháp không truyền thống? Thôi miên, châm cứu?
– Nhìn chung không phải là giải pháp lựa chọn đầu tiên. Thường là giải pháp cuối cùng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, với một bộ phận – châm cứu tốt hơn không làm gì. Tuy nhiên hiệu quả cao hơn hẳn – một khi kết hợp châm cứu với uống thuốc cai nghiện. Cho dù không có cơ sở khoa học, song cai nghiện bằng thôi miên cũng phát huy tác dụng trong một số trường hợp.
+ Có thể cai nghiện bằng ý chí?
– Có thể, thậm chí nên áp dụng. Thực tế đa số trường hợp thành công là đối tượng như vậy, không đòi hỏi bất cứ sự can thiệp, hoặc trợ giúp từ bên ngoài.
Tiến Đôn
Tri Thức Trẻ
Tri Thức Trẻ
Bình luận (0)