Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cải tiến tuyển sinh: Nên phân cấp, phân quyền!

Tạp Chí Giáo Dục

Đúng nửa tháng trước hội nghị tuyển sinh ĐH-CĐ 2009, ngày 19.12, ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ tại VN”. Nhiều đại biểu đã đặt nhiều vấn đề băn khoăn trước những thông tin chưa rõ ràng về kỳ thi tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả đó để xét tuyển ĐH.

Cần có lộ trình và sự chuẩn bị cần thiết cho việc đổi mới tuyển sinh – Ảnh: Đ.N.T

Chưa yên tâm

> Góp ý dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020

PGS-TS Nguyễn Văn Nhã – Trưởng ban Đào tạo, ĐHQG Hà Nội – phát biểu thẳng: “ĐHQG Hà Nội chưa tin việc dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ quan trọng trong việc xét tuyển ĐH-CĐ”. Về lộ trình đổi mới tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT đưa ra, cảm giác mơ hồ hiện rõ trong hội thảo khi nhiều đại biểu nói với nhau: “Chắc gì đến 2010 sẽ tổ chức được một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia như dự định, để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH?”.

TS Nguyễn Chí Hòa – Giám đốc Trung tâm Khảo thí trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG HN) nói: “Hạn chế của Bộ GD-ĐT trong thời gian vừa rồi là chưa chuẩn bị đầy đủ kế hoạch đổi mới tuyển sinh mà đã tung hết lên báo chí, tạo cho dư luận xôn xao vì không biết sắp tới sẽ thi kiểu gì?”. TS Nguyễn Thị Tuyết – Phó ban Công tác sinh viên ĐHQG Hà Nội nhận xét, áp lực duy nhất cho thí sinh thi vào ĐH là chỉ có 1 kỳ thi/năm, tất cả học sinh tốt nghiệp THPT chịu áp lực quá lớn khi phải vượt qua kỳ thi này, mỗi năm mới tổ chức 1 lần thì quá ít.

Nên phân cấp, phân quyền

Cho đến nay Bộ GD-ĐT chưa cho biết rõ bao giờ thì tổ chức kỳ thi duy nhất cuối bậc phổ thông để xét vào ĐH, kỳ thi đó được tổ chức như thế nào, bao nhiêu môn thi sẽ dùng đề trắc nghiệm. GS Lâm Quang Thiệp đề nghị nên học tập cách tuyển sinh ở Mỹ. Chúng ta, nếu chưa tư nhân hóa được thì cũng nên phi tập trung hóa, nghĩa là không phải mọi thứ đều tập trung do Bộ GD-ĐT làm. Nên giao thêm quyền cho 2 ĐHQG và các trường ĐH có uy tín tham gia điều hành tuyển sinh thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều.

Ông nhận xét: “Cục Khảo thí ĐBCLGD thành lập đã 5 năm nhưng chưa làm được những việc cơ bản về đổi mới tuyển sinh. Để tổ chức kỳ thi quốc gia duy nhất có hiệu quả, cơ quan này nên nghiên cứu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học có hiểu biết. Đồng thời, nên tìm sự hỗ trợ của các chuyên gia về khoa học đo lường trong giáo dục ở nước ta, của các chuyên gia giỏi từ nước ngoài”.

Ông cũng đề nghị các ĐHQG phối hợp với các trường ĐH hàng đầu khác và các công ty trắc nghiệm chuyên nghiệp tổ chức thêm một kỳ thi với đề thi khó hơn, các câu hỏi trắc nghiệm đa dạng hơn và đánh giá các cấp độ tư duy cao hơn, có thể phối hợp trắc nghiệm và tự luận, để lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH hàng đầu.

TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho rằng nên giải tỏa áp lực kỳ thi: chia địa điểm thi theo từng cụm, từng vùng địa phương thống nhất với nhau, mỗi năm tổ chức thi ĐH vài lần, giao quyền nhiều hơn cho các vùng miền. Ông Dũng nói: “Bộ GD-ĐT nên xem tuyển sinh ĐH là một khâu trong quá trình đào tạo, nên giao cho các trường được tự chủ hơn trong tuyển sinh ĐH”.

Với tư cách “chủ nhà” tổ chức hội thảo, TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM  nêu ra những điểm được nhiều đại biểu đồng ý như: mong muốn có một kỳ thi nhẹ nhàng hơn, chính xác và công bằng; cần có lộ trình, thời gian và sự chuẩn bị cần thiết; nên có cả phương thức thi kết hợp với xét tuyển. Riêng đối với ĐHQG TP.HCM, nếu đến năm 2010 bắt đầu cải tiến tuyển sinh như Bộ GD-ĐT dự định, các trường thành viên của ĐHQG – TP.HCM sẽ trình phương án vào giữa năm 2009 để khoảng tháng 9.2009 bắt đầu thực hiện.

ĐHQG-TP.HCM cũng sẽ liên kết chặt chẽ với ĐHQG Hà Nội, mong muốn các trường ĐH khác cùng tham gia để giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Các đại biểu dự hội thảo cũng thống nhất đề nghị khâu tuyển sinh nên để cho các trường chủ động, kể cả định mức điểm sàn; Bộ GD-ĐT chỉ lo vấn đề điều phối, đặt ra những vấn đề chung mang tính chất khung. 

 Nhựt Quang (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)