Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cải tổ Hiệp hội Lương thực Việt Nam để “giải cứu” lúa gạo

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các doanh nghiệp (DN), chuyên gia, cần sớm cởi bỏ rào cản trong Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Đặc biệt, nhiều đề xuất kiến nghị  nên lược bớt quyền và cải tổ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), như thành lập hội đồng lúa gạo với đại diện là nông dân trồng lúa.

Cải tổ Hiệp hội Lương thực Việt Nam để “giải cứu” lúa gạo
Các DN, chuyên gia đề nghị cải tổ VFA để “giải cứu” ngành lúa gạo. Ảnh: Phương Chăm.

VFA lắm quyền, nhiều rào cản

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, cùng với  xu hướng bảo hộ thương mại, nông nghiệp ngày càng nhiều ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, việc gạo ở Việt Nam là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là phù hợp và rất cần thiết.

“Làm thế nào để nông nghiệp, ngành gạo Việt Nam không bị thua thiệt trên sân nhà là vấn đề hệ trọng. Nghĩa là Nghị định 109 phải được sửa đổi cho phù hợp, chứ không nên bãi bỏ hẳn”- ông Bình nói.

Theo ông Bình, trong khi nhiều nước trên thế giới tìm mọi cách, thậm chí đưa rào cản để ngăn gạo Việt Nam vào nước họ; đồng thời có nhiều cơ chế ưu đãi để thương nhân nước họ tăng xuất khẩu hàng hóa, nông sản, gạo ra nước ngoài thì VFA làm ngược lại. “Ban chấp hành VFA hay có thông báo cấm các thương nhân bán gạo vào một số quốc gia với lý do đó là thị trường tập trung của Chính phủ… mục đích chỉ để phục vụ lợi ích nhóm”- ông Bình nói.

Ông Bình cho rằng, VFA nên bỏ giá sàn lúa gạo, vì không có bất cứ lợi ích gì cho nông dân và thương nhân, thậm chí còn “vẽ đường” cho thương nhân nước ngoài dựa vào đó để ép giá gạo Việt Nam. Theo vị thương nhân này, một số cá nhân tại văn phòng VFA không đủ khả năng và không có đủ tư cách để quyết định các vấn đề đã được Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành và cấp phép. Thậm chí, còn gây nhiều tiêu cực, làm chậm trễ việc thực hiện hợp đồng xuất khẩu đã ký.

TS Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư cho rằng, Nghị định 109 đang tạo ra nhiều chi phí kinh doanh không cần thiết cho DN mà không đem lại lợi ích gì chung; làm thui chột các sáng kiến sản xuất và xuất khẩu gạo chất lượng cao.

Doanh nghiệp tự bơi

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Cty TNHH Việt Hưng cho rằng, quyền lực VFA rất lớn khi còn nhiều hợp đồng tập trung, vì đóng vai trò đấu thầu, phân bổ hạn ngạch. “Lâu rồi không thấy hiệp hội nhắc gì đến giá sàn. Việc đưa ra giá sàn, vì trước đây khi các ông Vinafood đi đấu thầu các hợp đồng tập trung, nhằm tránh DN khác bán phá. Bây giờ, kiếm không ra hợp đồng tập trung, nên cũng không đề cập giá gạo thơm bao nhiêu, nếp bao nhiêu. Thực tế, các DN phải tự bơi đi kiếm thị trường, chứ không trông chờ vào hiệp hội”- ông Đôn nói.

Theo GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lúa gạo: “VFA phải đóng góp tích cực trong cuộc tìm kiếm thị trường, khách hàng tiềm năng, nhưng đằng này chỉ ngồi một chỗ, chờ người ta tới hỏi… Nhà nước cấp cho VFA cái quyền rất lớn, là cho phép ai được xuất, ai không và quota xuất khẩu”.

Ông nói: “Bảo bối của VFA là Nghị định 109, xem anh có kho chứa 5.000 tấn thóc, máy xay xát tối thiểu 10 tấn thóc/giờ chưa, đã xuất 10.000 tấn gạo… chưa? Trong khi đó, có những DN sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ, mỗi lần khách hàng mua vài trăm kg, nhiều thì 2-3 nghìn tấn, nhưng bị “kẹt” quy định, nên phải xuất khẩu ủy thác qua bên thứ 3”.

Theo GS Xuân, Việt Nam cần lập hội đồng lúa gạo, ngoài VFA, các Vinafood, DN xuất khẩu, còn có đại diện Bộ NN&PTNT, Công Thương và hiệp hội nông dân trồng lúa. Các bên cùng ngồi lại để bàn tìm thị trường ở đâu, bán giá bao nhiêu để cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ…

Đại diện Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện Cục đang xây dựng 3 bộ tiêu chuẩn về thương hiệu gạo Việt Nam, và sẽ công bố tới đây. Cùng đó, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo xây dựng logo thương hiệu gạo Việt. Do vậy, khi sửa đổi Nghị định 109, DN chỉ cần đảm bảo gạo đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn xuất khẩu là có thể xuất được, chứ không nên hạn chế số lượng DN xuất khẩu.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo xuất khẩu gạo của cả nước 2016 khoảng 6,5 triệu tấn (tương đương năm 2015), nhưng chỉ đạt khoảng 4,8 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, điều đáng buồn là xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng có xu hướng giảm về trị giá, thu hẹp về thị trường. Trước đó, năm 2010, xuất khẩu gạo Việt luôn đạt lượng khoảng 6,3 – 7 triệu tấn/năm. 

Phạm Anh – Phạm Tuyên – Phạm Thanh (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)