Sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, xã hội lại nóng lên bàn luận. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao thì bị nghi ngờ… không phản ánh đúng chất lượng. Kết quả thi tuyển sinh ĐH-CĐ, điểm sàn tuy chưa đạt điểm “trung bình cộng” vẫn khó cho các trường xét tuyển.
Chất lượng đầu ra phổ thông, đầu vào ĐH-CĐ đều đặt lên bàn cân. Xã hội lo ngại chất lượng giáo dục là đúng, nhưng làm thế nào để có “chất lượng” thì chưa có hướng mở. Cần có giải pháp được coi là khâu “đột phá” mới tìm được lời giải. Đó là ý kiến chung của bạn đọc gửi về toà soạn, hy vọng Bộ GDĐT sớm có những quyết sách nhận được sự đồng thuận từ xã hội.
Toà soạn xin giới thiệu ý kiến của GS Phạm Đức Khải – nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Chúng tôi nhận thấy ý kiến của GS Khải hội tụ tương đối đầy đủ các ý kiến đã gửi về toà soạn, thay cho lời kết chung của bạn đọc gửi đến Bộ GDĐT.
Bàn nhưng phải có giải pháp mở
Là người công tác lâu năm trong ngành giáo dục, tôi rất tâm đắc với ý kiến của ông Dương Công Đá (nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, ĐBQH) tại Quốc hội khi bàn về giáo dục: Bàn về giáo dục chúng ta càng thấy như đang lạc giữa rừng già, càng bàn càng thấy lạc. Mấu chốt là chúng ta bình tâm để xem xét lại là lạc từ khi nào và lạc từ đâu thì mới tìm được phương hướng đi đúng.
Liên hệ với vấn đề nóng đang được dư luận góp ý kiến đó là kỳ thi tốt nghiệp nên cải tổ như thế nào. Trên cơ sở ý kiến của xã hội đã góp ý, tôi đề nghị Bộ GDĐT nên đưa ra các phương án có phân tích, nếu phương án nào được sự đồng thuận cao của xã hội thì chúng ta thực hiện. Phương án giữ kỳ thi, tổ chức như hiện nay, có ai dám khẳng định rằng điểm thi tốt nghiệp đánh giá được thực chất chất lượng của bậc học phổ thông? Nếu bỏ kỳ thi thì có hay không việc buông lỏng chất lượng trong giảng dạy? Nếu giao cho các địa phương tự chủ tổ chức thi liệu kết quả thi có bị bệnh thành tích tác động “thổi vống” tỉ lệ? Những lo ngại đó không phải là không có cơ sở.
Phân tích từ thực tế, chúng ta đều nhận thấy rằng, mục đích hướng tới của cả phụ huynh lẫn học sinh đó là kỳ tuyển sinh vào ĐH-CĐ chứ không phải kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Có tới 95,72% đỗ tốt nghiệp năm học qua, chưa hẳn tỉ lệ đỗ ĐH-CĐ đã cao. Nếu tính theo điểm sàn được Bộ GDĐT công bố (khối A, D: 13 điểm; khối B, C: 14 điểm) thì có 415 ngàn thí sinh (TS) trúng tuyển ĐH. Nhưng thực chất 415 TS này có chạm cửa các trường ĐH hay không thì không ai trả lời được con số chính xác.
Có những trường điểm trúng tuyển gần như gấp rưỡi điểm sàn thì TS đủ điểm sàn vẫn không mơ bước chân vào giảng đường ĐH mà mình có nguyện vọng. Có TS không chấp nhận xét nguyện vọng vào các trường dân lập vì lo chất lượng đào tạo, lo khoản học phí gấp nhiều lần trường công… Là giảng viên đang được các trường ĐH dân lập mời thỉnh giảng, tôi cũng thấy thực sự lo lắng về chất lượng đào tạo của không ít trường. Tôi không bình luận về chất lượng đào tạo của các trường ĐH dân lập, nhưng thủ khoa thi vào trường chỉ đạt 12,5 điểm thì sao không lo về chất lượng đào tạo.
Trong khi các trường dân lập lo sốt vó về nguồn tuyển sinh thì đâu phải TS đủ điểm sàn cũng sẽ chấp nhận ngậm ngùi vào học? Mới xảy ra tình trạng các trường ĐH tốp dưới bất chấp cả quy chế của bộ, chào mời mọi cách để mong sao có thêm sinh viên để trường không lỗ.
Phân luồng bắt đầu từ đâu?
Không nên quá lo lắng việc xem nhẹ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, nếu không tổ chức thi chung thì chất lượng dạy và học 12 năm bậc phổ thông bị buông lỏng. Chúng ta cần phải tính từng cấp học. Cấp tiểu học không có gì phải bàn. Cấp THCS thì có khâu kiểm soát, đó là kỳ thi và xét vào lớp 10 (có địa phương chỉ xét tuyển), khâu này bước đầu đã phân loại HS, tốp có học lực khá, tốt yên tâm vào các trường đảm bảo yêu cầu chất lượng để vượt đủ 3 cái rào (lớp 10,11 và 12).
Số điểm thấp vào các trường dân lập hoặc TTGDTX. Như vậy, ở cấp học THPT đã từng bước phân loại trình độ HS. Chúng ta nhìn thấy rõ tỉ lệ HS nếu không thi tốt nghiệp vẫn sẽ đỗ. Học lực dưới trung bình, trên yếu là đã thừa đỗ tốt nghiệp. Biết thi tốt nghiệp là đỗ thì nên tổ chức thi sao cho gọn nhẹ, không tốn kém như hiện nay; bởi không mấy ý kiến đồng thuận việc xét thi ĐH-CĐ như đề án của Bộ GDĐT.
Vấn đề mấu chốt hiện nay là Bộ GDĐT cần phải làm tốt việc phân luồng đào tạo sau bậc học này. Nếu làm tốt thì các em HS rất thanh thản lựa chọn ngã rẽ tương lai của mình, không nhất thiết là phải vào đại học. Vấn đề quan trọng cần làm thông tư tưởng đó là tâm lý PHHS còn quá nặng về con đường đại học. Có TS đi thi vì nguyện vọng của bố mẹ, dù em đã biết rằng thi cũng không đỗ. Có TS đã đem điện thoại vào phòng thi để bị đình chỉ, để có cớ không bị cha mẹ la mắng vì điểm thi thấp.
Bằng tốt nghiệp phổ thông không phải là “quyết định” mấu chốt để các em vào đời, ngay Bộ GDĐT cũng đã mở đường cho những em không tốt nghiệp phổ thông bằng cách là học các trường trung cấp, sau ba tháng “bổ túc” kiến thức sẽ được cấp bằng tốt nghiệp. Vậy nên, việc cải tổ kỳ thi tốt nghiệp theo đề xuất của GS Văn Như Cương tại buổi đối thoại trực tiếp ngày 31.7.2011 là giải pháp tôi thấy phù hợp và tin rằng sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội.
Theo laodong
Bình luận (0)