Trong các bữa tiệc, khi dùng món thịt nướng, chiên… khó mà thiếu loại rau mang tên cải xoong. Cải xoong còn là vị thuốc khá tốt cho con người, nhất là những ai muốn cai thuốc lá, ngừa ung thư vú…
Ảnh: minh họa – Intennet |
Mô tả
Cải xoong, còn gọi là xà lách xoong, tên khoa học là Nasturtium officinale hoặc Nasturtium microphyllum, họ Cải (Brassicaceae). Đông y gọi là Tây dương thái.
Trong cải xoong có 93,7% nước, 2,8% protid, 1,4% glucid, 2% cellulose, 0,8% tro, 89mg% calcium, 28mg% phosphor, 1,6mg% sắt, 15 – 45mg% iod, 25mg% vitamin C. Cải xoong rất giàu beta-carotene, vitamin B1, vitamin B6 và những vitamin tan trong dầu như vitamin E, vitamin K. Cải xoong cũng chứa một hàm lượng cao các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như iod, sắt, calcium, magnesium, kẽm…
Các nhà nghiên cứu cũng thấy trong cải xoong có chất quercetin giữ vai trò quan trọng cho sự kháng viêm, đồng thời cũng là một chất thiên nhiên có chức năng chống dị ứng, chống oxy hóa.
Theo Đông y: cải xoong có vị đắng, mùi thơm, tính mát, có tác dụng thanh huyết, giải nhiệt, giảm đau, thanh phế.
Cải xoong có công dụng thanh nhiệt khí ở phổi và bao tử, đối với chứng huyết nóng cũng có hiệu quả. Những ngày nóng bức mùa hè, người nóng nảy, mệt mỏi: dùng 60g cải xoong, rửa sạch, giã nát, thêm nước, lọc và pha đường uống. Có thể xay như xay sinh tố để uống cũng được.
Ở một số nước, dân gian đã dùng cải xoong để hỗ trợ cho bệnh nhân lao, thấp khớp, đau lưng, thiếu máu, tiểu đường, tim mạch, giảm thị lực, sỏi mật. Đặc biệt, cải xoong có thể giải độc nicotin, dùng để giúp bệnh nhân cai thuốc lá.
Ai cũng biết cải xoong nấu canh ăn rất mát, có công hiệu giải nhiệt, phòng nhiệt, nhưng ít ai biết nó còn có công hiệu cầm máu, chữa trị bệnh phổi nữa. Nhiều người làm việc trong môi trường nóng nực, dễ bị thổ huyết, dạ dày xuất huyết, nếu người bình thường không quá suy nhược, nên dùng cải xoong tươi, vắt lấy nước uống một vài chén là có công hiệu cầm máu, lại không sợ tích ứ máu dơ.
Nếu người quá suy nhược, thay vì uống nước vắt để sống, nên đun cho sôi rồi mới uống sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên, nếu đem chưng chín thì công hiệu của nó sẽ bị sút giảm đi nhiều. Dù uống sống hoặc chưng chín, nếu cho thêm vào một ít muối ăn, công hiệu cầm máu sẽ mau hơn.
Trước đây, đối với những người bị lao phổi ho ra máu, ngoài thuốc của bệnh viện cấp cho uống, chúng tôi thường hướng dẫn bệnh nhân dùng khoảng 200g cải xoong và 6g trần bì (vỏ quít để lâu năm) nấu nước uống.
Tuy nhiên phải nấu cho đủ 4 – 5 tiếng đồng hồ, và uống lúc còn nóng, không được uống lạnh. Mỗi tuần uống như vậy 2-3 lần, bệnh nhân thấy trong người mát mẻ dễ chịu khi ho, đàm dễ ra, ngực thấy nhẹ, dễ thở, nhờ đó mà có lợi cho phổi.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Ulster (Anh) đã kết luận rằng trong cải xoong có chứa một hợp chất gọi là phenylethyl isothio cyanate (PEITC), chất này có khả năng ngăn chặn lại những quá trình gây tổn hại DNA trong bạch cầu. Sự tổn hại DNA trong bạch cầu sẽ làm ngòi nổ cho các tiến trình ung thư; cải xoong với hợp chất PEITC có khả năng kháng ung thư.
Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Southampton (Anh) cho thấy, ăn xà lách xoong mỗi ngày có thể giúp bảo vệ bạn khỏi nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Các nhà khoa học cho biết ở những tình nguyện viên ăn 80g cải xoong/ngày, chỉ vài giờ sau khi ăn, hàm lượng các phân tử chống ung thư trong máu đã tăng đáng kể. Chiết xuất từ cải xoong còn giúp cản trở sự tăng trưởng của các tế bào ung thư vú. Các chuyên gia cho hay có thể chất isothiocyanates (tạo vị cay nóng cho cải xoong) phát huy tác dụng ngăn cản sự tăng trưởng của các tế bào ung thư. Cải xoong cũng giúp làm tắt nghẽn các tín hiệu mà tế bào ung thư gửi đi để yêu cầu cơ thể cung cấp thêm máu và oxygen.
Năm 2007, công trình của các nhà khoa học Do Thái cũng đã tiết lộ rằng ăn một lượng cải xoong mỗi ngày sẽ làm giảm những hư tổn ADN trong tế bào máu và được xem là những yếu tố khơi mào cho ung thư.
Nhiều thử nghiệm sau đó cho thấy các hóa chất được chiết xuất từ lá cải xoong thực sự ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
Các nhà nghiên cứu đưa ra khuyến cáo: để ngăn ngừa ung thư vú, nên ăn nhiều rau cải xoong.
Món ăn bài thuốc
Phụ trợ trị lao phổi: 150g cải xoong nấu canh cùng với 150g phổi heo ăn vào buổi sáng. Buổi chiều lấy 1 nắm cải xoong trộn giấm với 100g thịt bò xào tái. Ăn liên tục trong nhiều ngày. Món ăn bài thuốc này vừa ngon miệng, dễ ăn, lại hỗ trợ làm cho mát phổi, đỡ tức ngực, khó thở.
Trị viêm phế quản: lấy 150g cải xoong, 50g lá tía tô, 5g gừng tươi. Sắc với 3 chén nước còn 1 chén, uống 3 lần/ngày.
Nhuận phế hóa đờm: những người trong phổi lúc nào cũng cảm thấy nóng nực, ho khạc nhiều đờm do phổi bị nhiệt, nên nấu canh rau cải xoong, quả la hán và thịt nạc, ăn hằng ngày.
Người lúc nào cũng cảm thấy nóng, nhất là vùng ngực và vùng dạ dày: cải xoong nấu với cà rốt, chắt lấy nước uống.
Phụ trị tiểu đường: 100g cải xoong, củ cải, cần tây, mùi tây, cà rốt, cải bắp, tỷ lệ bằng nhau, ép lấy nước uống, giúp giảm được lượng đường. Ngoài ra 100g cải xoong chỉ cung cấp 48 calo, không lo tăng nhiệt lượng. Bã của cải xoong cung cấp nhiều chất xơ, giúp người bệnh no, không cảm thấy thèm ăn nhiều.
Trị ngoài da lở loét, rụng tóc: rau cải xoong giã nát đắp lên chỗ đau hoặc da đầu.
Trị phù thũng: rau cải xoong nấu với cá chép trong bữa cơm hằng ngày.
Trị tàn nhang: dùng 3 phần dịch cải xoong, 1 phần mật ong quậy đều, dùng vải mềm tẩm thuốc xoa sáng và chiều, để khô rồi rửa sạch.
Giúp cai nghiện thuốc lá: người nghiện thuốc lá nên ăn nhiều cải xoong.
Làm chắc chân răng và đỡ hôi miệng: dùng nước dịch của cải xoong súc miệng.
Tuy là cải xoong là loại rau cải có tính hàn, nhưng nếu nấu lâu, tính hàn của cải xoong sẽ mất, trở thành thức uống mát. Nếu uống lúc còn nóng, có thể đề phòng hàn khí ảnh hưởng tới phổi và bao tử.
Khi uống nước canh hoặc nước cải xoong nấu chín sẽ đi tiểu nhiều, vì vậy người bệnh không nên uống vào buổi tối, để khỏi phải thức dậy đi tiểu, làm mất giấc ngủ.
Theo Lương y Hoàng Duy Tân
Sức khỏe & Đời sống
Sức khỏe & Đời sống
Bình luận (0)