Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi: Liệu có khả thi?

Tạp Chí Giáo Dục

Từ 1-11, Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, trong đó có quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, để đưa nghị định này đi vào cuộc sống vẫn là vấn đề băn khoăn của nhiều người.

Các bị cáo Trần Quốc Long (chỉ mới 17 tuổi) và Nguyễn Đắc Quốc, Nguyễn Sơn Rô, Trịnh Văn Lộc vì sử dụng rượu mà phải ra trước vành móng ngựa

Quy định cần thiết

Nhiều năm qua, tình trạng sử dụng bia rượu của người Việt Nam, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên đã lên mức báo động. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy như bệnh tật, bạo lực gia đình, tai nạn giao thông, mất trật tự xã hội… Đặc biệt, có tới 60% số vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam do sử dụng rượu bia.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã cấm người chưa đủ 18 tuổi mua rượu. Thế nhưng, ở Việt Nam, việc mua rượu quá dễ dàng. “Rượu vào, lời ra” và dẫn đến biết bao nhiêu bi kịch, vụ án thương tâm cho nhiều gia đình. Đặc biệt, đã có nhiều đối tượng sử dụng rượu chưa đủ 18 tuổi dẫn đến những hành động mất kiểm soát, gây nên án mạng đau lòng. Cách đây không lâu, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Trần Quốc Long, Nguyễn Đắc Quốc, Nguyễn Sơn Rô, bị truy tố về tội “giết người”; bị cáo Trịnh Văn Lộc bị truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng”. Tất cả các bị cáo này đều có tuổi đời còn rất trẻ. Tại thời điểm gây án, bị cáo Trần Quốc Long chỉ mới 17 tuổi. Chỉ vì uống rượu liên tục trong 5 tiếng đồng hồ rồi lại dùng bạo lực để giải quyết vấn đề quá côn đồ, hung hãn, các bạn trẻ này đã tự giam tuổi thanh xuân của mình sau song sắt nhà tù.

Những năm gần đây, nhiều vụ truy sát đẫm máu khác xảy ra tại một số địa bàn vùng ven như quận 12, quận Bình Tân… mang tính chất côn đồ, dã man. Nhiều bị cáo tại thời điểm gây án đều có men rượu trong người, nguy hiểm hơn cả là họ còn mang theo cả hung khí. Nhiều bạn trẻ xem việc uống rượu, lận theo hung khí bên người là điều hết sức bình thường để chứng tỏ mình là “anh hùng”.

Trước tình hình này, Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu (thay thế Nghị định 94/2012) ra đời và chính thức có hiệu lực từ 1-11 là hết sức cần thiết. Nghị định quy định rõ các hành vi vi phạm bao gồm: Trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lửng!

Có thể thấy, nghị định này rất phù hợp, kịp thời với tình hình hiện nay. Với độ tuổi vị chưa thành niên, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi còn nhiều hạn chế nên nếu sử dụng rượu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Tại nước ta, việc kinh doanh rượu đang diễn ra tràn lan. Bất kỳ ai, ở đâu cũng có thể mua rượu với nồng độ cồn cao song không có cơ quan nào kiểm tra, quản lý chặt chẽ.

Việc quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi là một quy định đúng đắn, đưa hệ thống pháp luật nước ta đến gần hơn với quy định của các nước tiên tiến trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, quy định đưa ra là vậy nhưng để thực hiện nó thì không đơn giản nếu như không có sự chung tay, một cơ chế quản lý minh bạch.

Theo luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM: “Để triển khai các nội dung của nghị định một cách có hiệu quả cần phải có sự phối hợp giám sát từ cơ quan quản lý vì trong nghị định chỉ quy định về điều cấm và sẽ bị xử phạt nhưng không quy định về cách thức triển khai và đưa ra điều kiện. Nếu không có sự cụ thể hơn nữa thì tính khả thi của nghị định là rất khó. Ví dụ như các nước khác khi mua sim hay mua những sản phẩm giới hạn độ tuổi thì người mua buộc phải xuất trình ID hoặc hộ chiếu. Như vậy, Việt Nam cần phải ban hành thêm các quy định như vậy chứ không phải bỏ lửng”.

Được biết, quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi không phải xuất hiện lần đầu tiên trong Nghị định 105/2017/NĐ-CP, mà nó được kế thừa, phát triển từ Nghị định 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu và cồn rượu. Tiếp theo đó, Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng quy định phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng đối với chủ khách sạn, nhà hàng, quán ăn bán các loại rượu, nước uống hoặc các chất kích thích khác có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên cho người chưa thành niên; bán rượu, bia cho trẻ em dưới 16 tuổi. Tuy vậy, những quy định này vẫn đang nằm trên giấy trong nhiều năm qua.

“Ngoài ra, việc quảng cáo rượu và bán rượu trên 15 độ cồn qua mạng thì cần có sự giám sát từ các cơ quan có liên quan. Đối với nội dung quảng cáo rượu thì thuộc trách nhiệm của Sở Công thương, phòng kinh tế các quận, huyện, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. Cần phải có sự phối hợp trong công tác quản lý, giám sát và đưa ra thêm các điều kiện để đảm bảo các người cung cấp, phân phối rượu buộc phải tuân thủ và báo cáo kết quả thực hiện về cho cơ quan chức năng vì ngành kinh doanh rượu là kinh doanh có điều kiện hằng năm phải có báo cáo kết quả hoạt động”, luật sư Võ Đan Mạch cho biết thêm.

Bài, ảnh: Yên Hà

Bình luận (0)