Việc bùng nổ dịch vụ kinh doanh trực tuyến với sự xuất hiện của hàng loạt website bán hàng online đem lại nhiều tiện lợi cho khách hàng, nhưng cũng đẩy không ít người vào "cảnh tiền mất tật mang".
Mới đây, anh Nguyễn Vi Nhân, ngụ tại Kontum, đọc được trên một trang bán hàng trực tuyến đăng quảng cáo bán điện thoại xách tay nguyên hộp từ Singapore của một cửa hàng tại quận 10, TP HCM. Cửa hàng này cam kết "Khách ở xa nhận máy sau 24 giờ kể từ khi thanh toán" nên anh Nhân đặt mua ngay một điện thoại di động Nokia N96, giá 2,5 triệu đồng
Vài ngày sau, anh Nhân nhận hàng qua dịch vụ chuyển phát nhanh là chiếc điện thoại hỏng trầy xước, không hộp, không giấy bảo hành, thẻ nhớ và pin tặng thêm như rao bán. Bức xúc, anh liên tục gọi điện thoại đến cửa hàng yêu cầu giải quyết nhưng cửa hàng dùng dằng, quanh co, quy trách nhiệm cho dịch vụ chuyển phát nhanh làm mẻ vỏ điện thoại và chỉ chịu trả lại anh Nhân 1,3 triệu đồng.
“Tôi quá bất ngờ với kiểu làm ăn như vậy, đây cũng là bài học đắt giá vì nhẹ dạ, cả tin trong việc mua bán qua mạng như thế này”, anh Nhân chia sẻ.
Một công ty xây dựng tại TP HCM cũng đã bị đối tác Hàn Quốc lừa hơn 400 triệu đồng với phương thức mua hàng qua mạng. Sau một vài thương vụ thành công, lợi dụng lòng tin của đối tác, công ty này nhận tiền trước rồi biến mất.
Khách hàng cần chọn các trang giao dịch trực tuyến có uy tín và nâng cao cảnh giác nhằm tránh cảnh "tiền mất tật mang". (Ảnh chụp màn hình). |
Chiêu mà các "siêu lừa" trên mạng thường dùng là dụ nạn nhân gửi tiền hoặc nạp card cho chúng, hay dùng lời ngon ngọt và dẫn chứng cụ thể khiến bạn mờ mắt trước những công việc ngồi không mà có tiền như đọc mail quảng cáo, click quảng cáo, nhắn tin kiếm tiền nhưng rốt cục chỉ là tiền "ảo".
Khách mua hàng trực tuyến dễ mua phải hàng chất lượng thấp với giá cao, hàng có chất lượng không đúng như khi rao bán, tệ hơn là mua phải hàng hỏng. Người bán không có cửa hàng, điểm giao dịch lại ở một quán cà phê, hoặc trên đường phố. Người mua chỉ có số điện thoại di động, nick chat của người bán. Đến khi biết bị lừa thì điện thoại cũng "ò e í" nên không thể nào lần ra tung tích người bán, đành ngậm đắng nuốt cay.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc liên doanh Chợ Điện Tử – eBay, cho biết trên sàn giao dịch thương mại điện tử nội địa chodientu.vn, từng có vụ khách hàng mua laptop Sony Vaio nhưng nhận hàng chỉ là đôi mắt kính cũ, hay mua điện thoại nhận được cục gạch. "Nguyên nhân chính là người mua chỉ dựa vào việc tin tưởng người bán, chuyển thẳng tiền vào tài khoản cho người bán mà không dùng các hình thức thanh toán an toàn", ông Bình nhấn mạnh.
Hiện Việt Nam chưa có luật giao dịch điện tử để xử phạt các trường hợp vi phạm. Mua hàng qua mạng chủ yếu dựa vào lòng tin là chính, người tiêu dùng gặp rủi ro không biết phải gỡ từ đâu. Bà Đào Thị Cúc, chuyên viên Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, phân tích: "Khiếu nại giao dịch mua bán qua mạng rất nhiều, nhưng khó giải quyết do thiếu giấy tờ làm bằng chứng. Vì vậy, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác, thận trọng ”.
Quản trị viên của một diễn đàn mua bán cho biết, các admin chỉ kiểm soát những thành viên bán hàng cấm, nhạy cảm. Còn việc ai bán hàng giả, hàng không đúng chất lượng như quảng cáo thì chỉ khi xảy ra những vụ kiện cáo lẫn nhau, admin mới biết và sau đó tùy theo mức độ mà xử lý.
Do đó để an toàn trong giao dịch, người mua hàng nên chú ý đến số điện thoại của người bán. Nếu có ý đồ xấu, họ sẽ thường xuyên sử dụng các số điện thoại khuyến mãi, không thuộc hàng "số đẹp" và không có số điện thoại cố định.
Ngoài ra người mua có thể kiểm tra độ tin cậy của người bán bằng cấp độ (level) thể hiện kèm theo nick đăng nhập trang tin. Đối với một số trang bán hàng như chodientu.vn hay ebay.vn có phần đánh giá điểm uy tín (đánh giá điểm mua, bán hàng với mỗi giao dịch khi thành công hay thất bại, qua đó thể hiện uy tín của người bán), người mua căn cứ vào đó xem điểm uy tín của người bán để lựa chọn giao dịch.
Người mua cũng có thể dựa vào black list (danh sách đen) mà các thành viên thông báo cho nhau những trường hợp mua bán mất uy tín hay có dấu hiệu khả nghi. Đồng thời, trên một số website còn mở diễn đàn đưa tên người bán lừa đảo, những nick không uy tín, công bố công khai danh sách các gian thương đã bị cấm hoạt động.
Tốt nhất, người mua nên chọn những người bán có tích hợp cổng thanh toán trực tuyến trung gian như NgânLượng.vn, Payoo hay Paynet để thanh toán cho món hàng mình mua được đảm bảo an toàn. Với phương thức thanh toán tạm giữ, người mua không nhận được sản phẩm hoặc sản phẩm không đúng như mô tả sẽ được hoàn lại 100% số tiền đã mua. Dịch vụ NgânLượng.vn còn thực hiện chính sách “Bảo hiểm người mua”, chương trình bồi hoàn lại toàn bộ số tiền mà người mua đã thanh toán cho người bán nếu giao dịch gặp rủi ro.
Tương tự Ngân Lượng, các loại hình như ví điện tử Payoo, Mobivi cũng cho phép thanh toán online và chế độ bảo mật cao với EV SSL Certificate của VeriSign (Chứng thực số cao cấp hỗ trợ thương mại điện tử). Qua đó giao thức SSL và chứng thực số được sử dụng để bảo vệ khách hàng và bảo mật các giao dịch trực tuyến, đảm bảo được tính an toàn cho tài khoản người mua.
Hà Mai (Theo VNE)
Bình luận (0)