Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cám cảnh tình trạng… “học đường”!

Tạp Chí Giáo Dục

Dy thêm hc thêm ti mt trung tâm (nh minh ha)

Trước hết, trong bài này, xin không nên hiểu “Học đường” theo các nghĩa “chính thống” là “Trường học lớn” (Từ điển từ và ngữ Hán Việt – NXB Từ điển Bách khoa, 2002) và “Nhà trường” (Từ điển tiếng Việt – NXB Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, 1997)… Và “Học đường” ở đây là… việc học của con trẻ mà phần lớn thời gian diễn ra ở ngoài đường! Các em ăn ngoài đường, ngồi ngủ gật bên lề đường; ngồi vừa chạy vừa ăn sau lưng cha mẹ chở đi trên đường đến điểm… học thêm cho kịp giờ!

Đã có một thành phố lớn (Đà Nẵng) treo thưởng 100 triệu đồng cho ai đưa ra được biện pháp chấm dứt nạn dạy thêm! Nhưng chờ mãi mà chẳng có giải pháp nào khả thi nên sự việc rơi vào im lặng… Mỗi chiều bây giờ không hiếm cảnh các em vừa học xong trong trường, vội vã lên xe cha mẹ chờ sẵn là nhào tới nhà thầy cô để học thêm! Trong lúc chờ đông đủ, các em tranh thủ lùa vội hộp cơm hoặc ăn ổ bánh mỳ lấy sức để học.

Tầm khoảng 20 giờ, cũng không hiếm cảnh cha mẹ rước con đi học thêm về (vì học lúc 18 giờ, đến 20 giờ là hết buổi). Cứ thế việc học diễn ra cả ngày, suốt tháng suốt năm vì học nhiều môn, nhất là các môn toán, vật lý, hóa học, Anh văn.

Điều tôi thấy kỳ lạ là học sinh trường chuyên cũng “hăng hái” tham gia học thêm! Lẽ ra, với khả năng của mình, các em có thể tự học, tự rèn luyện nhưng dù là học sinh giỏi, xuất sắc cũng cần thầy cô cho “bú mớm” kiến thức! Có nhiều em học cùng lúc từ 2 đến 3 thầy cô cùng một môn học. Khi được hỏi “Học một thầy đủ rồi, sao còn học mấy thầy cô khác?” thì các em cho biết mỗi thầy cô có “bí quyết” riêng; nên học nhiều thầy cô thì biết càng nhiều “bí quyết”!

Không phải đơn giản là các em học thêm không ảnh hưởng các môn học khác mà ảnh hưởng rất nhiều! Không thể các em “dàn hàng ngang mà tiến” mà phải chú trọng một số môn học nhằm phục vụ cho việc thi đại học sau này. Từ đó, các em xao nhãng, học cho có lệ các môn khác. Nhìn các em có khi phờ phạc vì học thêm, vì mất ngủ do áp lực thời gian; do nghỉ ngơi, ăn uống thất thường mà thương quá!

Thành ra, khi đến giờ dạy môn ngữ văn, các em hầu như không chuẩn bị bài, không xem trước tác phẩm thì làm sao hiểu bài và ghi nhớ kiến thức cơ bản được! Các môn khoa học xã hội khác (lịch sử, giáo dục công dân, địa lý…) cũng chịu tình cảnh oái oăm như vậy!

Dùng điểm số thấp để “bắt ép” các em học bộ môn mình chăng? Coi chừng bị hiệu trưởng quy vào tội “trù dập” hoặc “thiếu tinh thần trách nhiệm” thì thi đua cuối năm sẽ bị “treo”. Thôi thì “ai sao mình vậy” cho nó lành; vừa dạy vừa dỗ; ra đề kiểm tra vừa phải để đạt chỉ tiêu về tỷ lệ điểm số đã đăng ký.

Chuyện học thêm đã từng được đưa ra trên bàn nghị sự của Quốc hội nhưng xem ra vẫn chưa có “phương thuốc đặc trị” nào trị dứt điểm căn bệnh dạy thêm ngày một trầm trọng này! 

Không phải cứ ra một thông tư, một chỉ thị cấm dạy thêm, học thêm hoặc tăng lương “kịch trần” chăng nữa cũng không một sớm một chiều chấm dứt được! Hình như giáo viên đã “nghiện” dạy thêm và học sinh đã “nghiện” học thêm; dứt bỏ ra là “thiếu thuốc”!

Cám cảnh thay cảnh “học ngoài đường” của con trẻ, của thế hệ tương lai!

Hoàng Sa Vit
(Sóc Trăng)

 

Bình luận (0)