Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cấm điện thoại cả giờ học và giờ ra chơi: Phụ huynh, học sinh đều ủng hộ!

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay sau khi Giáo dục TP.HCM đăng tải bài viết: “Trường THPT nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại tại trường: Học sinh hưởng ứng!” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phụ huynh, học sinh và thầy cô bày tỏ sự đồng tình ủng hộ với cách làm của Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12, TP.HCM).

Học sinh Trường THPT Thạnh Lộc trong giờ ra chơi “không điện thoại”  

Tặng trường điện thoại bàn thúc đẩy trường học không sử dụng điện thoại cá nhân

Đọc thông tin về việc Trường THPT Thạnh Lộc nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường bao gồm cả giờ học và giờ ra chơi trong năm học 2024-2025, thay vào đó trường tạo nhiều sân chơi đa dạng theo nhu cầu học sinh để các em vui chơi, rèn luyện, đại diện VinaID đã liên hệ cho biết sẽ hỗ trợ Trường THPT Thạnh Lộc 4 điện thoại bàn và 2 máy tra cứu thông tin dùng chung cho học sinh, cũng như tặng thẻ cho 100% học sinh của trường, miễn phí sử dụng dịch vụ trong năm học, nhằm thúc đẩy mô hình trường học không sử điện thoại cá nhân.

Sân trường với nhiều hoạt động thể thao “níu” học sinh trong giờ ra chơi

“Mô hình trường học không sử dụng điện thoại cá nhân và thay bằng các hoạt động rèn luyện đa dạng cho học sinh mà Trường THPT Thạnh Lộc áp dụng tôi đánh giá rất cao. Điều này sẽ giúp các em học sinh gắn kết với nhau chặt chẽ hơn, khi có điện thoại bàn các em sẽ dễ dàng liên hệ với gia đình khi cần thiết…” – đại diện VinaID chia sẻ.

Phụ huynh ủng hộ “2 tay, 2 chân”, mong nhiều trường áp dụng

Có 2 con đang học cấp THCS và THPT, anh Trịnh Hoài Nam (ngụ TP.Thủ Đức) cho biết bản thân vô cùng ủng hộ với quy định nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường, bao gồm cả giờ học và giờ ra chơi.

Không điện thoại, giờ ra chơi nhiều học sinh lên thư viện đọc sách, học bài

Theo anh, hiện nay điện thoại di động thông minh đã mang đến rất nhiều hệ lụy, ở lứa tuổi học sinh các em chưa thể làm chủ được, do đó lệ thuộc quá nhiều vào điện thoại dẫn đến xao nhãng việc học. Việc thiếu kiềm chế cảm xúc, lời nói trên mạng xã hội cũng dẫn đến mâu thuẫn bạn bè, bạo lực học đường qua đó mà phát sinh…

“Tôi mong các trường học từ THCS, THPT trên toàn thành phố nên áp dụng theo quy định này, để tạo ra môi trường học đường thật sự gắn kết, lành mạnh, chia sẻ, sẽ hạn chế được bạo lực học đường, các em học sinh sẽ có những tháng ngày tuổi học trò hồn nhiên nhất. Tới đây, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, tôi sẽ đề xuất nội quy này với trường 2 con tôi đang học” – anh Nam nói.

“Ủng hộ 100%” cũng là chia sẻ của chị Thu Bích – phụ huynh ngụ quận Tân Phú. Chị Bích mong muốn nhiều trường học khác của thành phố cũng áp dụng quy định này, tạo thêm các sân chơi vận động, rèn luyện, kết nối cho các em.

“Tôi bắt đầu cho con sử dụng điện thoại từ THPT, để con liên hệ với gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, việc kiểm soát con sử dụng điện thoại hiện nay là rất khó, con mang điện thoại đến trường gia đình luôn nhắc con hạn chế sử dụng nhưng nếu nhà trường không có quy định cứng rắn và tạo thêm nhiều sân chơi kết nối thì việc các em lệ thuộc vào điện thoại là khó tránh khỏi. Cách làm của Trường THPT Thạnh Lộc là tín hiệu tốt để các trường khác có thể áp dụng”.

Chuyển đổi số giáo dục không lệ thuộc vào điện thoại

Với băn khoăn về việc cấm sử dụng điện thoại trong trường học có đi ngược với xu hướng chuyển đổi số giáo dục đang được TP.HCM triển khai mạnh mẽ trong các trường học, thầy Lương Văn Định – Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc khẳng định chuyển đổi số giáo dục không lệ thuộc vào điện thoại thông minh của học sinh. Điện thoại chỉ là một trong nhiều phương tiện hỗ trợ để thực hiện công tác này.

Do vậy, nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học không đồng nghĩa với việc nhà trường dừng chuyển đổi số giáo dục, mà ngược lại quy định sẽ tạo ra môi trường học đường kết nối, chia sẻ, tạo không khí vui tươi hào hứng học tập, từ đó giúp nhà trường đổi mới, chuyển đổi số hiệu quả hơn.

“Quy định của trường được phụ huynh rất đồng tình, hưởng ứng, vì thế tới đây nhà trường sẽ trang bị nhiều máy tính trên thư viện để phục vụ học sinh tra cứu thông tin học tập. Trong giờ học, nếu giáo viên đánh giá thực sự cần thiết phải sử dụng điện thoại để hỗ trợ tiết học thì giáo viên sẽ thể hiện rõ trong kế hoạch bài học, thông tin với nhà trường, phụ huynh để học sinh sử dụng trong giờ học với sự quản lý của giáo viên” – thầy Định nói thêm.

Dọc hành lang vào giờ ra chơi các em học sinh kết nối, chuyện trò

Anh Tuấn Hùng (phụ huynh Trường THPT Thạnh Lộc) cho biết, từ ngày nhà trường áp dụng quy định nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và giờ ra chơi, con trai anh (đang học lớp 11) lúc nào cũng trong tâm trạng vui vẻ sau mỗi buổi học.

Con thường vui vẻ kể về các hoạt động vui chơi mà con chơi cùng bạn bè trong giờ ra chơi ở trường với tâm trạng rất phấn chấn. Không những thế, ở nhà con cũng ít lệ thuộc vào điện thoại như trước kia.

“Trước khi đưa ra quy định nghiêm cấm, nhà trường đã họp xin ý kiến phụ huynh. 100% phụ huynh đều đồng thuận vì điện thoại di động hiện nay đã khiến các em gần như mất kết nối với xung quanh mà chỉ chăm chăm kết nối trên thế giới ảo. Tôi chỉ mong con đến trường học kiến thức thầy cô giảng, vui chơi gắn kết với bạn bè, thầy cô, học được những điều bổ ích. Việc nghiêm cấm điện thoại tại trường sẽ giúp con tập trung hơn vào việc học, hạn chế những mối quan hệ độc hại, vô bổ trên mạng xã hội” – anh Hùng bày tỏ.

Yến Hoa

Bình luận (0)