Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cấm doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào ngân hàng

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Tài chính vừa đưa ra một số biện pháp cụ thể tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN): cấm các tập đoàn, tổng công ty phi tài chính đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản.

Ngân hàng là một trong những lĩnh vực bị cấm đầu tư đối với DNNN.
Theo đó, DNNN sẽ được chia theo 4 nhóm. Nhóm 1 – Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hệ thống cơ sở hạ tầng then chốt, các ngành độc quyền cần kiểm soát. Nhóm 2 – Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ.
Nhóm 3 – Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ (DN quy mô lớn, có đóng góp lớn cho ngân sách, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mũi nhọn, công nghệ cao và có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường). Nhóm 4- Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ.
Các giải pháp tái cấu trúc gồm: Đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, có cơ chế thu hút mạnh hơn các nhà đầu tư chiến lược lớn trong và ngoài nước, có giải pháp đồng bộ phát triển thị trường tài chính đặc biệt là thị trường chứng khoán và thị trường mua bán nợ, hoàn thiện mô hình hoạt động, nâng cao năng lực quản lý đầu tư, tài chính của Tổng Cty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Cty mua bán nợ (DATC)…
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, sẽ yêu cầu chấm dứt tình trạng DNNN đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính. Những đơn vị đã đầu tư phải thoái vốn hết trước năm 2015. Nghiêm cấm các tập đoàn, tổng công ty phi tài chính đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản.

Mặt khác, để nâng cao năng lực quản trị DNNN, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định về quản trị DNNN trên cơ sở vận dụng các nguyên tắc, thông lệ quản trị tốt nhất của thế giới. Trong đó, sẽ quy định cụ thể những nội dung về vai trò chủ sở hữu Nhà nước; đảm bảo đối xử bình đẳng với cổ đông; DNNN phải có ban kiểm soát nội bộ bao gồm các thành viên độc lập đủ năng lực, không kiêm nhiệm; quy chế công bố thông tin theo tiêu chuẩn như các công ty niêm yết…

Dự kiến, năm 2012 đề án chi tiết về tái cấu trúc DNNN sẽ được xây dựng, phê duyệt và triển khai tại từng tập đoàn, tổng công ty cùng các phương án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN của các bộ, ngành, địa phương.

Giai đoạn 2012 – 2015 sẽ thực hiện cơ cấu xong nợ của DNNN; thực hiện cổ phần hóa xong những DNNN được duyệt; hoàn thiện thể chế quản lý DNNN, tăng cường năng lực quản trị DNNN. Giai đoạn 2015 – 2020 sẽ tiếp tục sắp xếp lại, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty.

Cấm là cần thiết

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội), cho rằng việc Bộ Tài chính đề xuất không cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và tín dụng nói chung, là cần thiết.

Tuy nhiên, nó không phải là đề xuất mới hay có tính phát hiện do đây là ý kiến đã được nêu ra tại Hội nghị Ban chấp hành T.Ư 3 vừa qua cũng như đã được đề xuất nhiều lần tại các hội nghị, hội thảo về mô hình hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Theo ông Phong, đề xuất này sẽ khiến các tập đoàn, tổng công ty hết cơ hội làm ăn chộp giật và phải tính toán điều hành doanh nghiệp theo hướng đặt hiệu quả của ngành chính lên đầu thay vì dùng vốn của nhà nước để tìm kiếm lợi nhuận ở những lĩnh vực không phải thế mạnh của mình.
“Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện chiếm tới 60% dư nợ tín dụng của các ngân hàng, nếu các đơn vị này góp vốn vào ngân hàng, các quỹ đầu tư tài chính rồi sau đó đi vay nợ lẫn nhau thì không thể lường hết được hậu quả khi có một đơn vị đổ vỡ”- Ông Phong nói.
Khánh Huyền – Phạm Tuyên
Theo Tiền Phong

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)