Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cảm động chuyện cô gái chạy thận ước làm cô giáo

Tạp Chí Giáo Dục

Dịp 20/11 năm trước, tôi gặp cô gái ấy trong tiết đông lạnh tê tái, cô hồ hởi khoe những đóa hoa nhỏ nhưng được gói cẩn thận đặt trong chiếc lọ nơi góc phòng. Căn phòng trọ nhỏ tồi tàn như sáng bừng lên, mắt cô cũng long lanh hơn.

Cô gái ấy là là Vũ Thị Nhã, cử nhân trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô ấy cũng là cư dân của “xóm chạy thận” gần bệnh viện Bạch Mai trong nhiều năm nay.
 Nhã chụp ảnh cùng học sinh trong lần đi thực tập (ảnh do nhân vật cung cấp)
 Nhã nuôi ước mơ về một ngày được đứng trên bục giảng, được trao hết nhiệt huyết của mình cho những ánh mắt thơ ngây, được nghe tiếng gọi “cô” trong trẻo. Nhưng trời vốn chẳng chiều người, cơ hội được thực hiện mơ ước ấy thật khó khi cô mang trong mình căn bệnh suy thận khó chữa khỏi. Hành trình theo đuổi ước mơ của cô cũng chính là hành trình giành giật sự sống từ tay tử thần.
Giấy nhập học và giấy nhập viện
Nhã sinh ra trong một gia đình nghèo ở một tỉnh miền núi, không mơ điều gì to tát, cô chỉ mong được dạy dỗ những đứa trẻ nhỏ, được cống hiến cho giáo dục quê hương. Ấp ủ ước mơ giản dị mà cao cả ấy, Nhã khăn gói đi thi và đỗ vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng buồn thay, cô không có thời gian để hân hoan hạnh phúc với cuộc sống sinh viên mơ mộng khi ngày nhận giấy báo nhập học cũng là ngày Nhã nhận cơn đau và phải làm thủ tục nhập viện.
Ngày ấy cô sinh viên năm thứ nhất thường xuyên đến giảng đường với cả túi thuốc, nếu đem số thuốc đã từng uống dồn lại chắc Nhã cũng không thể cõng nổi. Nhã xin bảo lưu kết quả học tập để đi chữa bệnh và vẫn hi vọng được quay trở lại giảng đường, được tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.
Nhưng sức khỏe cứ yếu dần, Nhã tưởng rằng kì học đại học đầu tiên sẽ là kì học đại học duy nhất trong cuộc đời mình. Thầy cô bạn bè động viên nhưng càng thương cho Nhã hơn vì gia đình không đủ điều kiện để mổ ghép thận. Gia đình cô đôn đáo đi khắp phía Bắc, sang cả Trung Quốc tìm thuốc, đưa chị quay trở lại bệnh viện Bạch Mai cũng là lúc gia sản khánh kiệt, chỉ còn lại cái xác nhà không và nợ nần chồng chất. Những tưởng ước mơ đứt gãy nhưng may mắn đã mỉm cười với Nhã khi có bảo hiểm người nghèo và được trả hoàn toàn tiền lọc máu. Nhã bắt đầu những ca lọc máu đầu tiên của mình và trở thành thành viên “xóm chạy thận”.
Cơ hội sống quay lại cũng là lúc mơ ước được đứng trên giảng đường đại học, được đứng trên bục giảng của Nhã được nhen lên lần nữa. Những ngày nằm trên giường bệnh là những ngày cô khao khát được trở lại giảng đường, được gặp thầy cô, được viết tiếp ước mơ của mình.
Chiến đấu với tử thần và ước mơ không nghỉ
“Ai mà biết người chạy thận sẽ ra đi lúc nào?!”
Với bệnh nhân chạy thận, sống cũng là chiến đấu giành giật sự sống vì họ có thể ra đi khi đang lọc máu, có thể ra đi vì lượng độc tố đột nhiên tăng cao, vì tăng hay hạ huyết áp. Ý thức được điều đó khiến Nhã càng phải cố gắng nhiều. Sau một năm bảo lưu, lọc máu để tạm ổn định sức khỏe, cô bắt đầu quay trở lại giảng đường đại học. Thế là Nhã vừa đi lọc máu lại vừa phải đảm bảo chương trình học khá nặng, đó là chưa kể những lần đi thực tập, thực tế.
Khó khăn nhưng cô nỗ lực không ngừng nghỉ, tới mức lớp cô rất ít người biết được cô phải nằm viện chạy thận ba lần một tuần. Nhã không muốn người khác thương hại mình nên chọn ca lọc khuya nhất để không ảnh hưởng tới thời khóa biếu. Cô khéo léo để các bạn không nhìn thấy viết kim tiêm chi chít trên hai cánh tay vừa gầy vừa xanh. Nhã ít khi nghỉ học, trừ những buổi lọc máu quá mệt. Nhiều đêm mùa đông lạnh ngắt cô đi từ bệnh viện về căn phòng trọ nhỏ bé ẩm thấp đặt lưng được một chút rồi sáng hôm sau dậy thật sớm bắt xe buýt đi học. Cô giáo tiểu học tương lai đã đi học như thế trong suốt bốn năm trời. Suốt bốn năm, cô phải chịu bao nhiêu mũi kim buổi tối mà sáng hôm sau vẫn tới lớp như mọi sinh viên khác.
Không chỉ đi học bình thường, Nhã còn nhận dạy thêm cho các học sinh tiểu học để trang trải cuộc sống, để được thỏa mơ ước của mình, để thấy mình có ích hơn. Và thế là tối tối hoàn thành xong bài vở cô lại soạn giáo án để đi dạy thêm. Cực nhất là những ngày lọc máu vì cô phải mang sách vở lên giường bệnh, một tay lọc máu, một tay cầm sách đọc.
 Nhã trong lần đi thực tập (ảnh do nhân vật cung cấp)
Những ngày đi thực tập ở một trường tiểu học ở Hà Nội có lẽ là những ngày hạnh phúc nhất đời Nhã. Cô ríu rít khoe với tôi những tấm ảnh chụp “bọn trẻ con lớp bốn lớn xác nhưng thơ ngây”. Nhã yêu thương trẻ, muốn chăm lo dạy dỗ các em nhỏ vì cả đời này chị không thể được như những người phụ nữ bình thường khác. Người phụ nữ chạy thận không thể thực hiện thiên chức của mình, vĩnh viễn không thể có được hạnh phúc làm mẹ.
Cơ hội nào cho ước mơ nghề giáo?
Không phải ai cũng có được nghị lực như Nhã, nhưng liệu có cơ hội nào cho cô thực hiện ước mơ của mình không? Từ khi tốt nghiệp ra trường, Nhã vẫn đi dạy gia sư cho một em nhỏ mà chưa xin được việc, không phải vì cô chưa nỗ lực. Với một người khỏe mạnh bình thường, xin việc đã khó huống hồ với một bệnh nhân suy thận. Hầu hết cư dân ở “xóm chạy thận” của Nhã không thể xin được một công việc ổn định, đa phần bán hàng rong. Nhã cũng tương tự, gõ cửa đi xin việc nhưng phần vì công việc đòi hỏi làm với cường độ lớn tự chị cảm thấy lo lắng, phần vì không thể mang hồ sơ với tờ chứng nhận sức khỏe có bệnh suy thận đi xin việc.
Trong con người bé nhỏ ấy không chỉ có khao khát được sống mà còn tràn đầy khát vọng được cống hiến cho ngành giáo dục. Nghị lực phi thường đã giúp Nhã vượt qua bệnh tật, tìm mọi cách để đến với giảng đường, đến với bục giảng, nhưng rất có thể ước mơ lại một lần dang dở với cô gái giàu nghị lực ấy.
Nhưng tôi biết rằng trong cô gái trẻ ấy vẫn tràn đầy khát khao được đứng trên bục giảng bài. Và tôi muốn được như những học sinh nhỏ của cô, gửi tới cô những lời chúc tốt đẹp nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Nguyễn Thu Quỳnh/Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)