“Cho phép bác sĩ viện công thành lập các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cũng giống việc cho phép giáo viên ngành giáo dục được dạy thêm”, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cấm giáo viên dạy thêm mà cho bác sỹ làm thêm là không công bằng.
Thảo luận về dự thảo luật khám bệnh, chữa bệnh tại phiên họp thứ 21 của UBTV QH hôm qua, 16/7, vấn đề “dùng chung” nhân sự giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân lần thứ 2 được đưa ra lấy ý kiến.
Cơ quan soạn thảo (Bộ Y tế) nêu quan điểm trong dự thảo luật cho phép công chức, viên chức y tế được làm ngoài giờ nhưng chỉ được phép thành lập các phòng khám chuyên khoa tư nhân, không được phép thành lập, tham gia thành lập và quản lý bệnh viện tư nhân. Việc chưa định rõ ràng biên giới công – tư xuất phát từ thực tế, thiếu thầy thuốc, “bùng nổ” nhu cầu chăm sóc y tế hiện nay. Việc “tận dụng”… nhân sự giữa 2 khu vực cũng giải quyết việc cải thiện thu nhập chính đáng của cán bộ ngành y.
Phòng khám, bệnh viện tư đang giúp giảm tải, cho y tế nhà nước, phục vụ nhu cầu đa dạng của bệnh nhân.
Thứ trưởng Bộ y tế Trịnh Thị Xuyên vẫn khẳng định, về lâu dài, hành nghề khám chữa bệnh công vẫn phải ra công, tư ra tư, nhưng cơ chế “giáp ranh” như hiện nay là thực tế phải chấp nhận. Trong khoảng 5 năm nữa, nguồn nhân lực ngành y vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu xã hội trong khi dân số ngày càng tăng.
Cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật – UB các vấn đề xã hội của QH cũng cho rằng trong điều kiện hiện tại, cần giữ quan điểm dung hoà này. Bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm UB nêu định hướng lộ trình tách bạch việc hành nghề khám chữa bệnh công, tư từ năm 2020, “nới khung” so với lộ trình của Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân đang áp dụng gần 10 năm.
Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên lại tỏ ý lo lắng khi so sánh việc cho phép công chức, viên chức y tế làm việc ngoài giờ tham gia thành lập các loại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cũng giống như việc cho phép cán bộ giáo viên ngành giáo dục được dạy thêm. “Trong khi chúng ta không cho phép ngành giáo dục dạy thêm mà cho phép ngành y tế được làm ngoài giờ và thành lập các cơ sở khám chữa bệnh như vậy thì phải hết sức cân nhắc, suy nghĩ để làm sao đảm bảo sự công bằng giữa hai ngành”, ông Kiên cảnh báo.
Chủ nhiệm UB kinh tế Hà Văn Hiền lại chỉ ra mặt khác của vấn đề. Thực tế, việc công chức viên chức y tế góp vốn thành lập bệnh viện tư không ít. Nếu luật quy định “cứng” quá có thể sẽ chỉ cấm được trên giấy tờ. Theo ông Hiền, nên cấm bác sỹ viện công tham gia quản lý nhưng có thể tham gia góp vốn vào bệnh viện tư.
Về việc cấp chứng chỉ hành nghề, dự thảo luật nhận được nhiều ý kiến đồng tình quy định chỉ cấp chứng chỉ một lần vì việc định kỳ hoặc cấp lại giấy phép. Theo đó, nếu đây chỉ là thủ tục hành chính thì sẽ ít tác dụng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mà chỉ mang tính hình thức và tăng gánh nặng công việc, tăng bộ máy, tăng ngân sách đối với cơ quan quản lý nhà nước về y tế.
Vấn đề y đức của y bác sĩ, các thành viên UB thường vụ đều kiến nghị phải có quy định nghiêm ngặt hơn. Nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng bác sĩ thông đồng với dược sĩ để chỉ định đơn thuốc, thông đồng giá đã đến mức không thể kiểm soát nổi.
P.Thảo (dantri)
Bình luận (0)