Máy vi tính ngày càng phổ biến rộng rãi, hỗ trợ đắc lực cho con người trong công việc. Chính vì vậy, việc giáo viên sử dụng máy vi tính để soạn giáo án thay vì phải ngồi viết từng trang như trước đây là chuyện hết sức bình thường. Với sự hỗ trợ của máy vi tính, những trang giáo án được trình bày đẹp hơn, thậm chí có cả hình ảnh minh họa. Sử dụng máy vi tính soạn giáo án, giáo viên không phải chép lại những phần “cứng” cơ bản của giáo án mà dành thời gian để đầu tư chỉnh sửa, thêm bớt kiến thức cho phù hợp với đối tượng học sinh của từng lớp học. Một giáo án, giáo viên có thể sử dụng nhiều năm; khi dạy đến tiết nào, giáo viên sẽ hiệu chỉnh giáo án của tiết dạy đó. Mặt khác, để thực hiện tiết dạy có ứng dụng công nghệ thông tin, giáo viên phải có giáo án điện tử. Sử dụng máy vi tính soạn giáo án sẽ là nền tảng để giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Thế nhưng, hiện nay, một số trường ở TP. Cần Thơ lại không khó cho việc sử dụng máy vi tính soạn giáo án. Các trường này yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ tin học mới được dùng máy vi tính soạn giáo án. Điều này đã đi ngược với chủ điểm của Bộ GD-ĐT về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Mặt khác, nếu qui định giáo viên có chứng chỉ tin học mới được sử dụng máy vi tính soạn giáo án sẽ bất hợp lý ở chỗ nhiều giáo viên có bằng A, bằng B vi tính nhưng khi thực hành lại rất lúng túng, vụng về. Ngược lại, có những giáo viên tâm huyết, tự học dù không có bằng cấp nhưng lại sử dụng máy tính một cách thuần thục.
Vì đâu các trường có qui định như vậy? Theo một số cán bộ quản lý giáo dục, đã có tình trạng giáo viên copy giáo án của người khác, mua giáo án soạn sẵn hoặc lên mạng download về. Giáo án là “đứa con tinh thần” của mỗi giáo viên, thể hiện tâm huyết, trí tuệ của từng người. Quá trình soạn giảng là quá trình người giáo viên tìm tòi cái mới, cái hay để truyền đạt cho học sinh. Vì vậy, khi đứa con tinh thần là sự vay mượn sẽ không tránh khỏi tình trạng khập khễnh, tiết học không sinh động, học sinh khó tiếp thu.
Lý do nêu trên là điều đáng suy nghĩ. Nếu thực tế có những giáo viên thiếu trách nhiệm đối với công việc “trồng người” của mình đến thế thì lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo ngành giáo dục nên mạnh dạn phê phán, thậm chí kỷ luật, thuyên chuyển sang làm công việc khác, không cho giảng dạy hoặc đưa ra khỏi ngành. Không thể để sự tiêu cực của một vài cá nhân gây khó khăn cho cả tập thể.
Thay vì cấm, hạn chế, ngành giáo dục quận Ô Môn có biện pháp để hạn chế tiêu cực. Ngành yêu cầu hiệu trưởng các trường phải đảm bảo giáo viên đủ khả năng sử dụng máy vi tính để soạn giáo án. Tất cả những bài soạn sẽ được lưu lại để đề phòng sự cố; nếu phát hiện có sự sao chép thì chính giáo viên và hiệu trưởng trường phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, các trường thường xuyên kiểm tra việc soạn giảng của giáo viên để khắc phục tình trạng giáo viên sao chép giáo án.
Như thành một thói quen, những gì không quản lý được, các nhà quản lý lại “hạn chế” hoặc “cấm”. Thực tế, đây không phải là giải pháp tốt nhất. Các quy định hạn chế giáo viên sử dụng máy tính soạn giáo án vừa khiến những giáo viên tâm huyết bức xúc vừa đi ngược với chủ trương của Bộ GD-ĐT về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Nên chăng các trường cần xem lại những điều bất hợp lý này.
Thái Hải
Bình luận (0)