HS đi xe phân khối lớn ngày càng nhiều. Ảnh: I.T |
Quy định cấm học sinh đi xe máy tới trường đã có từ tháng 9-2007. Theo đó, nhà trường làm nghiêm, phụ huynh ký cam kết, lực lượng CSGT tăng cường xử phạt… Nhưng tại Hà Nội đến thời điểm này, học sinh (HS) vẫn hồn nhiên “phi” xe máy đến trường. Vì sao?
36 kiểu… lách
Đến các trường THPT trên địa bàn TP. Hà Nội, điều đầu tiên có thể nhận thấy là HS chấp hành rất nghiêm quy định đề ra vì bãi gửi xe chỉ toàn xe đạp. Thế nhưng, có mặt tại các cổng trường THPT (Trần Phú, Việt Đức, Phan Đình Phùng…) giờ tan trường vào buổi trưa và chiều, không khó để bắt gặp những HS còn mặc đồng phục ngồi vắt vẻo trên những chiếc xe phân khối lớn đắt tiền như SH, LX, Fly… Không chỉ ở các quận nội thành mà hiện tượng này ở các quận ngoại thành cũng không có gì lạ.
Khi được hỏi làm sao để “né” cảnh sát giao thông (CSGT) không ít “áo trắng” chia sẻ: “Chịu khó đi luồn lách một chút. Đến ngã ba, ngã tư thì lẩn vào giữa dòng người, CSGT không thể kịp xử lý”. Đa phần các HS này đều lái xe trong tình trạng… nhiều “không”: không kính chiếu hậu, không mũ bảo hiểm, không giấy phép lái xe và còn “kẹp” 3, 4. Do ý thức được việc đi xe máy tới trường là vi phạm pháp luật nên các HS nghĩ ra nhiều cách đối phó với cơ quan chức năng như: tan học thì cởi áo khoác đồng phục ra, thay bằng áo khoác mang từ nhà hay đội mũ, đeo khẩu trang để “ngụy trang”, né CSGT… Được biết, ngay trong Tháng ATGT (tháng 9), số lượng HS vi phạm trên địa bàn Hà Nội đã lên tới 517 em (con số này năm 2009 là 433).
Phụ huynh tiếp tay cho HS
Ngay mỗi đầu năm học, cam kết giữa ngành GD và CSGT đã được ký. Các trường lập tức tăng cường phổ biến văn bản về Luật Giao thông đường bộ đến từng lớp, từng HS, giao cho các em đọc, ghi chép và nhấn mạnh những chỗ liên quan đến mình. Tại Trường THPT Quang Trung còn tổ chức các cuộc thi giao lưu, tìm hiểu Luật ATGT giữa các lớp theo hình thức trắc nghiệm giống game show “Rung chuông vàng”. Song HS trường này vẫn có những “cơ sở” gửi xe an toàn tại chợ Ngã Tư Sở và các nhà dân ở khu vực lân cận. Bên cạnh sự nuông chiều, dễ dãi của nhiều phụ huynh thì việc địa điểm trông xe ở các khu dân cư, các chợ gần trường học nhận giữ xe của HS cũng là một nguyên nhân khiến cho tình trạng này không hề giảm bớt. Nhà trường chỉ có thể cấm HS đi xe máy đến trường và gửi trong trường chứ không thể quản lý việc các em gửi xe chỗ khác. Đặc biệt là khi những bãi gửi xe đó tìm mọi cách để che giấu cho khách hàng của mình. CSGT cũng đã tổ chức nhiều đợt tăng cường tuần tra, xử lý hiện tượng các HS đi xe máy, nhưng sau mỗi đợt, mọi chuyện đâu lại vào đó.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu phó Trường THPT Việt Đức cho biết, bên cạnh trường hiện có hai bãi gửi xe (55 Lý Thường Kiệt và điểm giao giữa đường Lý Thường Kiệt và Bà Triệu). Nhà trường đã nhờ công an phường làm việc về vấn đề này, thậm chí còn cử cả lực lượng xung kích để chấn chỉnh tình trạng HS đi xe máy đến trường, nhưng chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đó. Khi nhà trường gửi giấy mời phụ huynh vì con em họ bị CSGT bắt, đa phần các phụ huynh không hợp tác hoặc không đồng tình. “Có phụ huynh bảo cũng biết như thế là vi phạm Luật Giao thông nhưng lại kêu ca rằng nhà tôi xa, con tôi còn học mấy ca nên tôi phải cho đi xe máy không thì cháu mệt…”. “Chính phụ huynh còn không chấp hành, còn cho phép con đi xe máy thì nhà trường biết làm thế nào. Nhà trường chỉ có thể giáo dục, tuyên truyền và xử lý kỷ luật khi HS bị CSGT gửi giấy về chứ làm gì có quyền xử phạt” – nhiều thầy cô chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo Trung tá Vũ Ngọc Hùng – Đội phó phụ trách Đội khám nghiệm điều tra giải quyết TNGT, tuyên truyền Luật GTĐB, lúc vi phạm, HS thường “khai bừa” tên tuổi, địa chỉ trường lớp. Chính vì thế, khi CSGT gửi thông báo về trường thì không thể tìm ra HS đó. Hoặc có nhiều em đã tốt nghiệp rồi vẫn khai là HS trường đó.
Cũng theo Trung tá Hùng, chuyện phụ huynh để con em mình đi xe máy đến trường là lợi bất cập hại. Khi các em chưa đến tuổi có giấy phép lái xe mà lạng lách, chở 3-4, không đội mũ bảo hiểm thì dù phụ huynh có cố gắng cách mấy cũng không lường trước được những ẩn họa có thể xảy ra. Thêm nữa, nếu quá nuông chiều con, chính phụ huynh đã vô tình nêu gương xấu cho con cái khi tạo thói quen không tuân thủ pháp luật ngay thời điểm các em chưa trưởng thành.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)