Từ năm 2018, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) đã áp dụng quy định nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường bao gồm cả giờ học và giờ ra chơi. Và cũng chừng ấy năm, chưa khi nào trường “trượt tốp” đầu thành phố trong kỳ thi tuyển sinh 10 và cả giáo dục mũi nhọn, đại trà.
Cấm không phải vì “không quản được thì cấm”
Thời điểm đầu những năm 2018, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền đưa ra quy định nghiêm cấm học sinh mang điện thoại đến trường. Tuy nhiên, trước yêu cầu của đổi mới giáo dục, vài năm trở lại đây, nhà trường đã nới lỏng quy định: Học sinh được phép mang theo điện thoại đến trường nhưng chỉ được sử dụng khi có sự cho phép của giáo viên.
Riêng tại khu vực phòng giám thị, học sinh được phép dùng điện thoại khi liên lạc với gia đình, có sự giám sát của giám thị. Điện thoại bàn tại phòng bảo vệ cũng phục vụ miễn phí học sinh khi các em liên lạc với gia đình.
Thầy Lâm Triều Nghi – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho biết, tại các cuộc họp với phụ huynh học sinh hàng năm, nhà trường đều giải thích rất rõ về quy định này. Sở dĩ cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường vào cả giờ học, giờ chơi là vì mong muốn tạo được sự nghiêm túc, bình đẳng nhất trong trường học. Muốn tạo ra môi trường học đường ở đó có sự kết nối chặt chẽ giữa học sinh, giáo viên, tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp…
“Việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường học nếu không có sự quản lý sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Tôi từng chứng kiến cảnh học sinh trong giờ ra chơi, ở trên cùng một băng ghế đá mà 3 em học sinh cắm cúi vào 3 chiếc điện thoại. Trong suốt giờ chơi, các em không nói với nhau câu nào. Khi trống báo vào tiết, các em cất điện thoại vào túi, trở lại lớp học và cũng không nói với nhau câu nào. Như vậy, sự kết nối giao tiếp giữa bạn bè còn đâu, các em chỉ đắm chìm vào thế giới ảo. Cũng từ đó, những mâu thuẫn trên thế giới ảo có thể phát sinh. Đó là còn chưa kể, khi được dùng điện thoại, các em có thể có sự so bì với nhau…” – thầy Nghi lý giải.
Khi cấm điện thoại, trong các giờ ra chơi, Đoàn Thanh niên tổ chức chương trình phát thanh học đường và tạo nhiều sân chơi, hoạt động để học sinh cùng nhau tương tác, không khí trường học rất vui tươi, hào hứng…
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cũng nhấn mạnh, việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học không phải vì “không quản được nên cấm”. Điện thoại đặt ở trong mỗi bối cảnh khác nhau lại cần phải áp những quy định khác nhau, để phù hợp với môi trường đó.
Học sinh vẫn có thể sử dụng điện thoại trong tiết học nếu như có sự cho phép của giáo viên. Vào các tiết học có sử dụng điện thoại, giáo viên phải thiết kế được hoạt động thể hiện rõ mục tiêu của việc dùng điện thoại. Và các tiết học này trên bảng sẽ được ghi dòng chữ “Tiết học được sử dụng điện thoại”, để giám thị có sự quản lý…
“Với quy định này, ngay cả giáo viên nhà trường cũng phải làm gương, tuyệt đối không sử dụng điện thoại trước mặt học sinh, đặc biệt trong các giờ học, giờ kiểm tra. Khi thầy cô có việc gấp có thể ra ngoài lớp học để nghe điện thoại. Nếu giáo viên vi phạm sẽ xử lý nặng, thậm chí là hạ thi đua” – thầy Nghi nhấn mạnh.
Giáo viên vẫn chuyển đổi số “ào ào” dù học sinh không sử dụng điện thoại
Tiết sinh học tại lớp 12A11, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền được cô Lê Thị Hồng Hạnh – giáo viên sinh học – thiết kế với bài giảng số, kết hợp với bảng đen truyền thống. Suốt giờ học, học sinh nhiệt tình tương tác với cô…
Để có sự hào hứng này, trước khi tiết học bắt đầu, học sinh đã được tìm hiểu bài học ở nhà trên hệ thống LMS theo yêu cầu của giáo viên. Mỗi học sinh đều có tài khoản trên hệ thống LMS để thực hiện các nhiệm vụ học tập từng môn học.
“Các tiết học tôi vẫn sử dụng những bài giảng số, cho học sinh tương tác làm các thí nghiệm ảo…, song không cần học sinh phải sử dụng điện thoại. Chỉ với máy tính trên lớp, học sinh đã có thể trực tiếp trải nghiệm những bài học mang tính ứng dụng CNTT, giờ học vẫn vô cùng sinh động” – cô Hạnh chia sẻ.
Hiện nay, 100% lớp học của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền đều được trang bị máy tính, ti vi, dàn âm thanh và hệ thống wifi. Theo cô Hạnh, đây là phương tiện để giáo viên thuận lợi thực hiện chuyển đổi số dạy học mà không cần đến điện thoại của học sinh. Việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong tiết học chỉ với mục đích “đổi gió” giờ học, để các em củng cố lại kiến thức bài học thông qua các trò chơi nhỏ chứ không phải điện thoại là trung tâm của chuyển đổi số, phải có điện thoại thì mới chuyển đổi số được.
“Suốt nhiều năm áp dụng quy định học sinh không sử dụng điện thoại, tôi không gặp khó khăn gì khi chuyển đổi số, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh cả. Vì em nào cũng có tài khoản LMS, các em có thể tìm hiểu bài học, thực hiện các nhiệm vụ thầy cô giao tại nhà. Đôi khi tôi cho học sinh sử dụng điện thoại là để các em chơi một số trò chơi củng cố kiến thức, làm mới tiết học chứ không lạm dụng…”.
Ngoài hệ thống phòng học với đủ trang thiết bị phục vụ giáo viên chuyển đổi số, các phòng máy tính của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền đảm bảo đủ để học sinh sử dụng trong các giờ tin học hoặc những tiết học cần máy tính; Thư viện nhà trường được đầu tư thêm nhiều đầu máy, phục vụ học sinh tra cứu tài tiệu, học tập…
Nhiều năm áp dụng quy định nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường, thầy Lâm Triều Nghi đánh giá, không ảnh hưởng đến việc chuyển đổi số giáo dục của trường. Nói cách khác, chuyển đổi số giáo dục không phụ thuộc vào việc sử dụng điện thoại cá nhân của học sinh tại trường. Mà quan trọng là cách thức nhà trường chuyển đổi như thế nào, chuyển đổi lúc nào và chuyển đổi ra làm sao để học sinh thụ hưởng một cách hiệu quả nhất.
“Dù không sử dụng điện thoại trong lớp học, học sinh vẫn được hình thành năng lực số từ tiết học của giáo viên và môn tin học của nhà trường. Giáo viên vẫn mạnh dạn đổi mới tiết học với CNTT qua các phương tiện nhà trường trang bị”.
Yến Hoa
Bình luận (0)