Tô Hoài (1920-2014) sinh ra trong một gia đình thợ thủ công nghèo ở làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Nhà văn thành công ở nhiều đề tài nhưng viết về nông thôn – vùng ngoại thành Hà Nội – đã để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp văn học của ông. Trong những trang văn viết về nông thôn, cảm hứng phong tục được nhà văn thể hiện rất chân thực và sinh động.
Nhà văn Tô Hoài
Truyện Tô Hoài giúp người đọc hiểu biết thêm về những nét đẹp phong tục của dân tộc như lễ hội, đám cưới, đám tang, đám giỗ, tục ăn trầu, nhuộm răng… Trong những phong tục làng quê, Tô Hoài tâm đắc nhất khi viết về lễ hội.
Trong sáng tác của Tô Hoài, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, nhà văn đều mang đến cho người đọc những hiểu biết thú vị về lễ hội. Nó là nhu cầu và khát vọng của người dân. Vì thế trong xã hội cũ, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vào mùa xuân, hầu như làng quê nào cũng tổ chức lễ hội, nhỏ thì một ngày, lớn thì nhiều ngày. Tô Hoài sinh ra, lớn lên và gần cả cuộc đời gắn bó với làng quê Nghĩa Đô, ông rất am hiểu về lễ hội. Mỗi tác phẩm, tác giả lại đem đến cho người đọc một nét đẹp khác nhau trong ngày lễ. Cảnh ngày hội với những trò chơi dân gian như leo cột mỡ, đi cầu nổi, hát xẩm, hát chèo đò… được miêu tả tỉ mỉ trong tiểu thuyết Quê người; không khí trang nghiêm trong lễ rước kiệu vào đền Đầm cổ; sự hùng tráng trong trận đấu võ của Mùa ăn chơi… Viết tiểu thuyết lịch sử, Tô Hoài làm sống lại không gian cổ xưa trong không khí lễ hội đầu xuân với âm thanh tiếng cồng, tiếng chiêng, những cuộc thi thổi cơm, đấu vật trong tiểu thuyết Nỏ thần, Đảo hoang. Vào ngày hội, người dân vui mừng, náo nức tham gia. Đây là thời điểm khung cửi ngừng dệt, già trẻ, gái trai náo nức cùng nhau đi hội. Trong không khí hân hoan, vui tươi của hội chùa, hội đình mỗi người lại chọn cho mình những bộ trang phục đẹp, trang trọng nhất “ai cũng chít khăn lượt, bận áo the dài” để đi trẩy hội. Không gian làng quê tràn ngập niềm vui, phấn khởi: “Trước cửa đình làng Thượng, ánh sáng những đèn dầu, đèn đất, những đóm đuốc hồng rực lên, từ tam quan trở vào. Tiếng trống, tiếng mõ, tiếng thanh la, não bạt, tiếng cười xôn xao… rõ ra đám hội đương đông”. Lễ hội không chỉ để vui chơi, tín ngưỡng mà nó còn là chất keo cố kết con người với nhau, tạo nên tình đoàn kết, sức mạnh của dân tộc. Tái hiện không khí lễ hội, Tô Hoài không chỉ làm sống lại nét đẹp văn hóa mà còn khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân lao động. Họ có đời sống vất vả, lam lũ nhưng vẫn luôn thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, thượng võ…
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế, lễ hội được tổ chức ngày càng nhiều. Hầu hết các lễ hội đều thể hiện sự thành kính, linh thiêng. Đó là tín hiệu tốt khẳng định truyền thống uống nước nhớ nguồn, bảo vệ được bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại. Lễ hội còn giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống dân tộc với thế hệ trẻ. Qua đó sẽ rút ngắn được khoảng cách về thời gian, giúp cho thế hệ trẻ đến gần hơn với lịch sử xa xưa của dân tộc. |
Cuộc sống con người luôn thay đổi nhưng những truyền thống tốt đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc cần được bảo tồn, phát huy. Từ những trang viết của Tô Hoài về nét đẹp trong lễ hội ngày xưa càng làm chúng ta suy ngẫm về những hành động, thái độ, ý thức của một số người khi đi lễ hội, đến đền chùa hiện nay. Những nét đẹp văn hóa ông cha xây dựng đã bị một số người biến tướng để phục vụ cho nhu cầu, sở thích bản thân. Vì thế, những trang viết của Tô Hoài có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Trong xu thế hội nhập của thế giới, nét đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc có sức mạnh to lớn góp phần tạo nên vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Vì thế những hạn chế trong lễ hội cần được khắc phục để giữ được nét đẹp văn hóa của dân tộc. Hơn bao giờ hết, cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu biết về những nét đẹp trong phong tục để tránh những mê tín, dị đoan. Sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền để mỗi lễ hội diễn ra là một lần tự hào về truyền thống dân tộc ta. Những trang viết của Tô Hoài chủ yếu viết về lễ hội những năm trước Cách mạng tháng Tám và lịch sử xa xưa của dân tộc nhưng trong bối cảnh lễ hội ngày nay càng thấy được giá trị sâu sắc của nó. Nhà văn Tô Hoài mang đến cho người đọc một kho tư liệu quý báu giúp cho thế hệ trẻ nhìn lại mình và ý thức được việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc.
Phan Thị Nhung
(Trường Dự bị ĐH dân tộc TW Nha Trang)
Bình luận (0)