Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Cảm hứng” từ những thí sinh lớn tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

1. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tại điểm thi Trường THCS Thanh Xuân (TP.Hà Nội) có một thí sinh đặc biệt, là người cao tuổi nhất dự thi, đó là ông Nguyễn Huy Kỳ (82 tuổi, ngụ tại quận Thanh Xuân), tuy phải chống gậy đến trường nhưng vẫn khỏe mạnh, vui vẻ, đầy tự tin. Theo ông Kỳ, hơn 60 năm trước, khi chuẩn bị thi cấp III thì ông vào bộ đội, việc học vì thế mà dang dở; nay ông muốn làm nghề Đông y, theo quy định là bắt buộc phải có bằng THPT nên ông mới nộp hồ sơ đi học…


Ông Nguyn Minh Đc (58 tui, bên trái hàng đu) là thí sinh ln tui nht tham d k thi tt nghip THPT ti TP.HCM (nh minh ha). Ảnh: L.P

Ông Kỳ không phải là thí sinh lớn tuổi duy nhất ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Nhiều địa phương khác cũng có những thí sinh U.50, U.60. Chẳng hạn, tại tỉnh Đắk Nông có ông Nguyễn Quang Giáp (53 tuổi, ngụ tại thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp) là nhân viên của Đội Quản lý học viên số 1, Trường Giáo dục và Giải quyết việc làm số 1, xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức, người bị khuyết tật ở bàn tay nên viết chữ rất khó khăn. Còn ở điểm thi Trường THPT Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa), có một thí sinh khá đặc biệt, là nhà sư Thích Quảng Phước (thế danh Võ Văn Lâm, 40 tuổi, quê ở tỉnh Bình Phước) đang tu hành tại tỉnh Bình Thuận. Hay ở quận 8 (TP.HCM) có ông Nguyễn Minh Đức (58 tuổi), là thí sinh lớn tuổi nhất tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM – đây là lần thứ 3 ông đi thi, và người con trai út của ông cũng thi trong đợt này…

Hồi tháng 8-2017, khá nhiều người ngưỡng mộ trường hợp bà Vi Thị Kiên, khi đó đã 60 tuổi, ngụ ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) khăn gói về TP.Cần Thơ theo học ngành luật của Trường ĐH Cần Thơ. Năm 2014, khi các con đều ăn học thành tài (bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư…) và đã lập gia đình, bà Kiên mới quyết định thực hiện ước mơ của mình. Bà nhờ người tìm được hồ sơ và đăng ký học tiếp lên THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tri Tôn. Năm học lớp 12, bà đạt điểm trung bình các môn là 7,2 – điểm số không dễ đạt đối với người đã lên chức… bà! Trước đó, năm 2015, sau 2 năm liên tiếp thi trượt, lão nông Hồ Ngọc Cảnh (lúc đó đã 70 tuổi) ở huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) đã tốt nghiệp THPT với số điểm vừa đủ. Ông Cảnh đã đỗ tú tài I (lớp 11) vào năm 1968 nhưng vì nhiều lý do nên việc học bị bỏ dở. Từ năm 2012, ông bị trượt tốt nghiệp THPT liên tiếp 2 lần vì thiếu 2 điểm, ông không nản chí mà quyết tâm học thật tốt và cuối cùng đạt kết quả như ý! Những chuyện về các thí sinh, học sinh, sinh viên lớn tuổi như thế không ít. Cụ thể, năm 2016, ông Vũ Hùng Cường trở thành thạc sĩ ngành kỹ thuật điện tử Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) ở tuổi 61, sau khi tốt nghiệp ĐH vào năm 1990 khi đã 35 tuổi. Năm 2014, ông Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1950, sống ở tỉnh Quảng Trị) đã đi thi ĐH lần thứ… 6 với ước mơ được làm sinh viên ngành vật lý… Những câu chuyện đó thực sự đã truyền cảm hứng và có ý nghĩa động viên rất nhiều người trên con đường học vấn.

2. Ở lớp cử nhân báo chí hệ vừa học vừa làm mà tôi dạy mấy năm trước, có một sinh viên đã 62 tuổi. Hôm nào ông cũng là người đến lớp sớm nhất và ngồi ngay ngắn ở bàn đầu, trong khi các sinh viên khác, có người kém ông đến hơn 40 tuổi, lại hay đi muộn, ngồi ở bàn dưới và có khi còn lén về sớm! Hôm nào có thời gian, tôi đều trò chuyện với ông, và vì vậy càng quý ông. Ông vốn là kỹ sư địa chất, hồi trẻ từng đi khắp miền Nam để khảo sát về đất đá phục vụ các công trình, dự án lớn của đất nước, tuổi xuân trôi qua lúc nào chẳng biết, lúc giật mình nhìn lại thì tóc đã hoa râm, lỡ mất chuyện gia đình. Năm 2014, ông nghỉ hưu, sống chung với một người chị ruột, rảnh rỗi ra vào buồn quá nên ông quyết định… đi học. Ông thi tuyển đồng thời ở ngành cử nhân Phật học của Học viện Phật giáo Việt Nam và cử nhân báo chí ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), với mong muốn khiêm tốn là có kỹ năng viết lách về các vấn đề tôn giáo, đồng thời để không thấy nhàm chán khi có nhiều thời gian rảnh. Ông sắp xếp thời gian để theo học ở hai nơi một cách hợp lý, tích cực làm các bài tập, tham gia các hoạt động nhóm, mạnh dạn phát biểu… Việc học đối với một người lớn tuổi thường không dễ dàng, bởi trí nhớ, sự nhạy bén trí óc, sức khỏe thường bị ảnh hưởng của tuổi tác. Vì vậy, để tiếp thu cùng khối lượng thì với người có tuổi, phải làm việc gấp nhiều lần so với thanh niên. Nên người nào đã có tuổi mà còn chăm chỉ học tập, dù với động cơ gì, cũng là rất đáng quý. Trên thực tế, những “học trò” lớn tuổi thường học hành rất chăm chỉ, tích cực, chắc không phải chỉ vì e ngại đám nhỏ chê cười mà chính là họ hiểu đúng ý nghĩa của việc học và luôn nỗ lực để vượt qua hạn chế của tuổi tác nhằm đạt kết quả tốt nhất có thể.

Điu đáng mng là khi có thông tin v nhng thí sinh, hc sinh, sinh viên ln tui, rt nhiu ngưi đu chia s, trân trng các tm gương đó, gn như không ai bĩu môi rng “già ri mà hc làm gì”.

3. Hồi đi học quản lý nhà nước, tôi được luật gia Nguyễn Thanh Bình kể một câu chuyện: Lần đó ông sang Nhật công tác, đi trên taxi, thấy một người đàn ông đứng tuổi chăm chú đọc một cuốn giáo trình ĐH. Ông hỏi người tài xế, đã nghỉ hưu, già rồi còn học ĐH làm gì. Ông ấy bảo: Học để có kiến thức mà giải thích cho cháu nội những điều nó hỏi… Luật gia Nguyễn Thanh Bình kết luận: Chịu khó học thì dù với mục đích gì cũng quý cả; với người có tuổi, chịu khó học lại càng đáng trân trọng hơn.

Nước ta đang xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời, mà việc học không phải chỉ của người trẻ. Nhiều người lớn tuổi trước đây chưa có điều kiện học tập, nếu không chịu khó trau dồi kiến thức, nỗ lực học tập thì khó hòa nhập được với cuộc sống hiện đại. Chẳng hạn, việc học sử dụng máy tính, cách truy cập internet, ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa… đều rất cần thiết, dù để làm việc, để dạy dỗ con cháu hay để tiêu khiển, giải trí, để làm gương cho con cháu. Có một số người chỉ đơn giản học việc sử dụng điện thoại, nhất là với điện thoại thông minh, với rất nhiều tiện ích như nhắn tin, chụp ảnh, cài đặt các ứng dụng, chương trình sử dụng sao cho hiệu quả, tiết kiệm… Vì vậy, nhiều người có thể lựa chọn các cách học khác nhau, như đến trường lớp dự các khóa chính quy, học các khóa ngắn hạn, học qua bạn bè, con cháu hoặc tự mày mò… Điều đáng mừng là khi có thông tin về những thí sinh, học sinh, sinh viên lớn tuổi, rất nhiều người đều chia sẻ, trân trọng các tấm gương đó, gần như không ai bĩu môi rằng “già rồi mà học làm gì”. Tức là, hầu hết mọi người đều hiểu rằng người lớn tuổi còn đi học là điều có ý nghĩa tích cực đối với bản thân họ, đối với cộng đồng. Xét cho cùng, điều đó hoàn toàn chính xác!

Trong khi xã hội có một bộ phận người chưa tích cực học tập, khi tham gia lớp lại còn “chạy điểm”, nhờ người học thay, điểm danh giùm… thì những tấm gương người học lớn tuổi thực sự có ý nghĩa lan tỏa tinh thần ham học ở nhiều người. Hy vọng các tấm gương này sẽ truyền cảm hứng đến tất cả chúng ta để cùng nỗ lực học tập, dù ở hình thức nào!

Trúc Giang

Bình luận (0)